Trách nhiệm từ phía gia đình

Xã hội - Ngày đăng : 11:48, 15/07/2020

(HNNN) - Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước; 53% trong số đó xảy ra khi trẻ em chơi ở gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương...

Mới đây, vụ đuối nước của hai nữ sinh lớp 10 Trường THPT Bất Bạt (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội) khi đi tắm sông Đà một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khôn lường vào dịp hè khi các em được nghỉ học, sự giám sát của gia đình và nhà trường trở nên lỏng lẻo.

Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các trường học tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc tuân thủ quy định về an toàn khi tham gia hoạt động xã hội; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ, thường xuyên nhắc nhở các em không được chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình cũng như không tự ý đi bơi khi không có người lớn đi cùng... Đồng thời, Bộ cũng đề nghị các cấp chính quyền tham gia tích cực hơn trong việc tổ chức lớp học bơi, học kỹ năng phòng, chống đuối nước trong dịp hè...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến số vụ đuối nước gia tăng là do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế; trẻ chưa biết bơi, thiếu kỹ năng sống và sự giám sát của người lớn... Chính vì thế, vai trò của gia đình trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoài việc nhắc nhở con em về sự nguy hiểm khi tắm, bơi lội tại sông, hồ cũng như trang bị cho trẻ kỹ năng nhận biết mối nguy hiểm khi đến gần những nơi có mặt nước hở, các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện để trẻ học bơi, hướng dẫn trẻ cách giải quyết tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước...

Kỳ nghỉ hè năm nay dù ngắn hơn so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng những nguy cơ xảy ra với trẻ thì vẫn luôn ở mức cao. Chỉ khi các gia đình chủ động quan tâm chăm sóc, dạy bảo trẻ kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng chống đuối nước, không phó mặc mọi việc cho nhà trường và xã hội thì mới có thể hạn chế số vụ tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em.

Tú Minh