Thanh niên phải trở thành những tuyên truyền viên tích cực

Xã hội - Ngày đăng : 14:29, 16/07/2020

(HNMCT) - Góp một lực lượng đông đảo khi tham gia các phương tiện công cộng nên việc hình thành và xây dựng văn hóa ứng xử cho thanh niên trong lĩnh vực này là hết sức quan trọng. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành đoàn Hà Nội xoay quanh vấn đề này.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt.

- Thưa ông Nguyễn Ngọc Việt, ông đánh giá như thế nào về văn hóa ứng xử khi tham gia phương tiện giao thông công cộng của thanh niên Việt Nam hiện nay?

- Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng. Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó điều 9 đề cập đến quy tắc ứng xử tại nhà ga, bến xe, bến tàu, thuyền, sân bay với 3 điều nên làm và 4 điều không nên làm, điều 10 đề cập đến quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông với 7 điều nên làm và 4 điều không nên làm, đã giúp mọi người có cách nhìn đúng đắn và nâng cao văn hóa ứng xử nơi công cộng, đặc biệt là văn hóa ứng xử khi tham gia phương tiện giao thông công cộng. Đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là vẫn còn một bộ phận thanh niên có ý thức chưa tốt, có những hành vi ứng xử chưa đẹp như chưa nhường chỗ cho người lớn tuổi, chen lấn xô đẩy, nói chuyện oang oang, đùa cợt thái quá... trên các phương tiện giao thông công cộng. Thậm chí, đã có một số vụ xung đột giữa thanh niên với phụ xe, lái xe... khiến không ít người có đánh giá tiêu cực về những người trẻ. Đặc biệt, khi tham gia giao thông, vẫn còn một bộ phận thanh niên chưa thực sự nghiêm túc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, vi phạm những điều không được làm, điều đó làm ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của thanh niên Thủ đô.

- Vậy, theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những hành vi ứng xử chưa đẹp trên các phương tiện công cộng của một bộ phận thanh niên?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi ứng xử chưa đẹp trên các phương tiện công cộng của một bộ phận thanh niên hiện nay, như công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT còn nhiều bất cập; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa quyết liệt... Hơn nữa, thời gian trước chúng ta chưa có quy chuẩn để đánh giá về văn hóa ứng xử khi tham gia phương tiện công cộng nên rất khó để định hướng, tuyên truyền, giáo dục.

Sau này, khi có quy tắc ứng xử nơi công cộng thì lại phải có thời gian cho đoàn viên, thanh niên hiểu đúng và thực hiện đúng để hình thành thói quen ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản vẫn là ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân, trong đó có lực lượng thanh niên, còn hạn chế.

- Trước thực trạng đó, thời gian vừa qua Thành đoàn Hà Nội đã có những hoạt động gì để xây dựng văn hóa ứng xử trên các phương tiện giao thông công cộng nói chung và văn hóa ứng xử trên xe buýt nói riêng, thưa ông?

- Thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND, ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố Hà Nội về thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, xây dựng văn hóa giao thông cho đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi Thủ đô, trong thời gian quan, Thành đoàn Hà Nội và Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa như: Tuyến xe ngày 26 - Xe buýt màu xanh, cuộc thi Thanh niên Thủ đô với văn hóa giao thông, Ngày hội Văn hóa giao thông, tọa đàm Thanh niên với văn hóa giao thông, phong trào “Đã uống rượu bia thì không lái xe”... Đó là những chương trình, hoạt động bổ ích, thiết thực.

Cùng với đó, Thành đoàn Hà Nội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quy tắc ứng xử nơi công cộng trong đoàn viên, thanh niên; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quy tắc ứng xử nơi công cộng bằng nhiều hình thức như trắc nghiệm, sân khấu hóa... 

Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội còn khuyến khích cán bộ, đoàn viên, thanh niên, sinh viên và nhân dân Thủ đô cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các đối tượng có hành vi móc túi, cướp giật... xảy ra trên các phương tiện giao thông công cộng; nâng cao vai trò giám sát của tổ chức Đoàn qua mô hình “Camera 360 trẻ” nhằm phát hiện những biểu hiện chưa đúng và giới thiệu cách ứng xử đẹp của người tham gia phương tiện giao thông công cộng. Hằng tháng, Thành đoàn tổ chức trao giải cho những bức ảnh hoặc video clip ghi lại khoảnh khắc đẹp của đoàn viên, thanh niên, sinh viên khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

- Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, thành phần quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa của Thủ đô. Theo ông, phải làm thế nào để việc tuyên truyền, xây dựng văn hóa ứng xử trên các phương tiện giao thông công cộng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong thanh niên?

- Để tạo dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn, các cơ sở Đoàn, Hội cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi phạm pháp xảy ra trên phương tiện giao thông công cộng; lên án lối ứng xử lệch chuẩn và tuyên truyền về nét đẹp văn hóa giao thông cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, sinh viên khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được UBND thành phố ban hành.

Đặc biệt, mỗi đoàn viên, thanh niên phải trở thành tuyên truyền viên tích cực, là tấm gương mẫu mực trong việc thực hiện tốt các quy định về ATGT. Công tác tuyên truyền cũng cần tiến hành thường xuyên, liên tục, bền bỉ; có giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hướng tới xây dựng môi trường giao thông Thủ đô “trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện”.

- Theo ông, có nên đưa văn hóa ứng xử khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng trở thành một bộ môn giáo dục cho giới trẻ không?

- Trên thực tế, ngành Giáo dục đã có quy định về việc này. Hiện nay, ngay từ mẫu giáo, trẻ em đã được tiếp cận nội dung liên quan như nhận diện biển báo, đèn tín hiệu giao thông... Từng cấp học có chương trình giáo dục khác nhau. Tuy nhiên, do nội dung học tập về ATGT và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông hiện còn mang tính ngoại khóa nên hiệu quả vẫn hạn chế. Bên cạnh đó, giáo trình dạy cũng chưa theo quy chuẩn thống nhất.

Tôi cho rằng, chúng ta nên ấn định thời lượng phù hợp hơn cho nội dung giáo dục về văn hóa ứng xử khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Bởi với thế hệ trẻ, phương tiện giao thông công cộng trong đô thị hiện đại sẽ là tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt. Về lâu dài, việc đưa nội dung văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia phương tiện giao thông công cộng vào giảng dạy cần được thực hiện bài bản, đồng bộ hơn nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đoan Trang