Kích cầu du lịch Thủ đô bằng sản phẩm đặc thù
Du lịch - Ngày đăng : 17:58, 16/07/2020
Doanh nghiệp hưởng ứng kích cầu
Ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cả nước trở lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội đã khôi phục hoạt động bằng một loạt sản phẩm kích cầu nhằm hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Từ đầu tháng 6-2020, 23 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển đã triển khai 346 tour kích cầu du lịch nội địa, 58 doanh nghiệp lữ hành liên kết tung ra 1.000 sản phẩm tour giảm giá từ 5 - 70%.
Từ tháng 7 đến 9-2020, Hãng hàng không Vietnam Airlines giảm giá vé từ 10 - 40% cho các chặng bay nội địa. Hơn 20 khách sạn trên địa bàn thành phố giảm bình quân 30% giá các dịch vụ đến hết tháng 9-2020. Các khu, điểm du lịch cũng triển khai các gói sản phẩm giảm giá như: Công ty cổ phần Tuần Châu - Hà Nội giảm giá vé chương trình Tinh hoa Bắc Bộ hạng Bạc và Vàng từ 300.000 đồng - 400.000 đồng xuống còn 200.000 đồng; Khu du lịch sinh thái Bản Rõm giảm 20% giá vé.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố đã tích cực hưởng ứng sự chỉ đạo của Thành phố, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, thu hút nhiều đoàn khách và từng bước phục hồi tình hình kinh doanh sau dịch Covid-19. Để đạt mục tiêu đón 10 - 11 triệu lượt khách trong 6 tháng cuối năm, Sở Du lịch Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 73/KH-SDL về Kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 nhằm tạo đà phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới.
Xây dựng sản phẩm đặc trưng
Dễ nhận thấy, thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội chủ yếu đưa khách tới các tỉnh, thành phố, hoạt động đón khách đến Hà Nội không sôi nổi bằng. Bên cạnh lý do về thời tiết, không thể thu hút khách như các địa phương có thế mạnh về du lịch biển, theo một số doanh nghiệp, Hà Nội còn thiếu sản phẩm đặc thù. Vì thế, cần phải xây dựng thêm sản phẩm du lịch mang thương hiệu Hà Nội.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Flamingo Redtours bày tỏ: “Hà Nội có “đặc sản” mùa thu vô cùng lãng mạn. Trước đây, chúng ta chỉ chú trọng thu hút khách quốc tế mà chưa quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt là đối tượng khách miền Trung, miền Nam, trong khi mùa thu và mùa đông Hà Nội lại là “đặc sản” đối với họ. Vì thế, cần phải định vị điểm đến Hà Nội bằng cách liệt kê những điểm tham quan đặc sắc, những món ăn đặc trưng vào mùa thu, đông của Hà Nội và triển khai chính sách kích cầu, giảm giá hấp dẫn trong những tháng cuối năm để thu hút du khách đến với Hà Nội”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Vietravel - Chi nhánh Hà Nội cho rằng, nếu biết cách làm, các doanh nghiệp có thể kéo khách đến Hà Nội vào mùa thu thay vì phải sang tận Hàn Quốc, Nhật Bản để ngắm mùa lá đỏ. “Hãy gợi cho du khách cảm xúc muốn đến Hà Nội thông qua những bài hát hay về Thủ đô trong công tác tuyên truyền, quảng bá. Bên cạnh đó, Hà Nội có thể tận dụng hệ thống xe buýt 2 tầng tạo thành các tuyến shuttle bus (tuyến xe buýt ngắn) để du khách dễ dàng tham quan các điểm di tích nổi tiếng ở nội, ngoại thành Hà Nội. Đây sẽ là bước đệm tốt để đón khách quốc tế sau này”, ông Bảy chia sẻ.
Còn Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Phạm Tiến Dũng chia sẻ: “Xu hướng đi du lịch của du khách hiện nay đã thay đổi, chủ yếu là sử dụng combo, check-in tại các địa điểm nổi tiếng. Nhiều du khách đến Hà Nội bỏ ra tới 4 - 5 giờ chỉ để chụp ảnh ở khu vực cầu Long Biên. Chúng ta từng có sản phẩm “Cảm xúc Hà Nội” khá hấp dẫn, phù hợp thị hiếu, vì thế, Sở Du lịch nên khởi động lại và tiếp tục phát triển sản phẩm này như một thương hiệu riêng của du lịch Thủ đô”.
Ngoài yêu cầu về sản phẩm mang thương hiệu riêng, theo nhiều doanh nghiệp, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước để có những cơ chế, chính sách thuận lợi trong việc xây dựng sản phẩm kích cầu hấp dẫn, thu hút dòng khách chi tiêu cao bằng các sản phẩm du lịch golf, nghỉ dưỡng hay MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện) nhằm phát huy tối đa tiềm năng của Hà Nội. Đây chính là cách định vị thương hiệu để tạo sức bật cho du lịch Thủ đô trong thời gian tới.