Giai đoạn 2 thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban: Nhiều thách thức phía trước
Thế giới - Ngày đăng : 07:08, 16/07/2020
Trong phát biểu được đưa ra vào ngày 13-7, ngày thứ 135 của thỏa thuận hòa bình (tính từ ngày 29-2), Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad cho biết, hai bên đã đạt được "cột mốc quan trọng". Theo đó, Mỹ đã nỗ lực thực hiện cam kết trong giai đoạn đầu, bao gồm việc giảm số lượng binh sĩ và rút quân khỏi 5 căn cứ quân sự. Việc trao đổi tù binh giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan cũng gần hoàn tất với hơn 4.000 tù binh Taliban và hơn 600 binh sĩ của Afghanistan được trả tự do.
Tuy nhiên, ông Khalilzad cảnh báo, ở giai đoạn tiếp theo, Mỹ sẽ thực hiện thỏa thuận với cách tiếp cận dựa trên những điều kiện nhất định, trong đó có việc hoàn tất quá trình trao đổi tù binh, giảm bạo lực, khởi động và thúc đẩy tiến trình hòa đàm trong nội bộ Afghanistan. Theo các nhà phân tích, dù giai đoạn đầu của thỏa thuận hòa bình diễn ra khá thuận lợi, thế nhưng trong giai đoạn tiếp theo điều này sẽ khó xảy ra.
Trên thực tế, sau thỏa thuận hòa bình lịch sử ký với Mỹ tại Doha (Qatar) hồi cuối tháng 2, phía Taliban đã nhất trí sẽ ngồi vào bàn đàm phán cùng Chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, lộ trình đối thoại đã bị chệch hướng bởi những cuộc tranh cãi về thành phần trong phái đoàn đàm phán của Chính phủ Afghanistan cũng như nội dung trao đổi tù binh.
Theo điều kiện của Chính phủ Afghanistan, Taliban phải hạn chế đáng kể các cuộc tấn công bạo lực để đổi lấy việc phóng thích các tù nhân còn lại. Song, lực lượng phiến quân đã bác bỏ điều kiện này và cáo buộc Chính phủ Afghanistan đi ngược lại nội dung thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban.
Ngoài ra, Chính phủ Afghanistan cũng khó chấp nhận đề xuất của Taliban về sửa đổi Hiến pháp theo quan điểm Hồi giáo. Do vậy, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban vốn được dự kiến sẽ bắt đầu tại Na Uy vào ngày 10-3, nhưng vẫn chưa thể khởi động cho tới thời điểm này.
Những ngày qua, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao đang được xúc tiến nhằm thúc đẩy cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, Taliban lại liên tục thực hiện các vụ tấn công nhằm vào quân đội Afghanistan gây nhiều thương vong.
Gần đây nhất, ngày 13-7, đồn cảnh sát thuộc tỉnh Kunduz và tỉnh Badakhshan đã bị tấn công khiến ít nhất 12 cảnh sát và 4 dân thường thiệt mạng. Cùng ngày, phiến quân Taliban cũng tấn công một văn phòng của Cơ quan tình báo quốc gia Afghanistan tại Aybak (thủ phủ tỉnh Samangan), ngay sau vụ nổ bom xe, một số tay súng đã xông vào tòa nhà đọ súng với lực lượng an ninh kéo dài nhiều giờ đồng hồ làm 14 nhân viên an ninh thiệt mạng, 63 người khác bị thương.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ đầu năm tới nay, đã có hơn 800 người đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc tấn công của nhiều nhóm phiến quân. Trong đó, Taliban gây ra một nửa số thương vong này.
Đáng chú ý, một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc cho biết, Taliban vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda bất chấp việc đã cam kết trong thỏa thuận hòa bình với Mỹ rằng, sẽ cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế, không để Afghanistan trở thành nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố. Liên hợp quốc ước tính có khoảng 400-600 tay súng Al-Qaeda hiện đang ở Afghanistan và Taliban thường xuyên tham vấn thủ lĩnh của nhóm khủng bố này trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Có thể thấy, dù Mỹ và Taliban đã ký kết thỏa thuận hòa bình lịch sử, song khó có thể khẳng định thỏa thuận này sẽ tạo ra bước ngoặt trên "con đường đầy chông gai" dẫn tới hòa bình ở Afghanistan.