Một cá tính không chấp nhận là phiên bản
Văn hóa - Ngày đăng : 14:58, 16/07/2020
Người vừa làm thơ vừa viết văn xuôi như Nguyễn Bình Phương không phải là hiếm trên văn đàn. Nhưng sáng tạo như thế nào để những đứa con tinh thần ở bất cứ thể loại nào cũng được độc giả đón nhận thì không phải ai cũng làm được. Có những người viết văn, cho ra hết cuốn tiểu thuyết này đến cuốn tiểu thuyết khác nhưng bạn đọc vẫn nhớ tới anh ta với tư cách là một nhà thơ. Nguyễn Bình Phương thì khác, cả thơ và văn xuôi đều tạo được dấu ấn riêng. Nhắc tới anh, người ta nhớ tới Lam chướng, Xa thân, Từ chết sang trời biếc... và nhớ cả Vào cõi, Người đi vắng, Mình và họ. Dù làm thơ hay viết tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương luôn nỗ lực làm mới mình.
Trong sáng tạo nghệ thuật, đáng sợ nhất là trở thành “cái bóng” của chính mình. Nếu anh cứ dẫn dắt độc giả đi theo một con đường quen, hỏi họ còn gì để chờ đợi? Hiểu được điều đó nên tác giả của Mình và họ luôn đổi mới trong cách kể chuyện. Tại sao lại là cách kể chuyện? Trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Bình Phương tâm sự rằng: “Mỗi nhà văn gần như có một cái tạng rồi. Ít ai chạy ra khỏi cái tạng đó được. Nhưng trong cái tạng chung, mỗi tác phẩm lại có một giọng điệu khác nhau, phải kể như thế nào để hợp với nội dung”. Điều này được thể hiện rõ trong hàng loạt tác phẩm của anh. Với Ngồi là cái nhìn toàn tri của tác giả với nhân vật. Ở Mình và họ, nhà văn ưu tiên ngôn ngữ độc thoại. Còn với tiểu thuyết mới nhất là Kể xong rồi đi, đối thoại và độc thoại được dùng một cách xen kẽ, tạo nên giọng kể phức điệu.
Thế nên, với Nguyễn Bình Phương, nhà văn là người loay hoay đi tìm cách kể. Tiểu thuyết làm khó người cầm bút ở chỗ đó. Nhân vật, đề tài là thứ có thể trở đi, trở lại trong sáng tác, nhưng nếu không làm mới mình trong cách kể thì người viết sẽ trở thành “bản sao” của chính mình. Nguyễn Bình Phương luôn sợ điều đó.
Nhiều độc giả cho rằng văn chương của anh khó đọc, bởi câu chuyện trong đó luôn được kể theo lối “phi tuyến tính”. Có người từng gợi ý anh viết một câu chuyện theo tuyến tính để độc giả dễ tiếp cận. Nguyễn Bình Phương lại đưa ra lý lẽ rất riêng cho lối đi của mình. Ba mươi năm trước, với Bả giời anh đã kể chuyện hồn nhiên theo cách đó, còn bây giờ là lúc phải viết khác đi. Nếu cứ lặp lại mọi thứ như một lối mòn thì chưa cần độc giả cảm thấy đơn điệu, tác giả đã thấy chán ngán với chính con chữ của mình.
Nguyễn Bình Phương là người không thích tự nói về tác phẩm của mình. Bao năm qua, nhà văn của “phố nhà binh” âm thầm viết nhưng không quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm. Với anh, việc của người cầm bút chỉ có viết và viết, khi làm hết nhiệm vụ của mình, hãy để tác phẩm tự sống đời sống của nó. Dù là khen hay chê, khi một bản thảo đã in thành sách thì đó không còn là việc của tác giả nữa rồi. Sự tự tại mà phóng khoáng ấy, hỏi mấy ai có được?
Hơn 30 mươi năm rong ruổi trong thế giới của văn chương, dù viết gì, từ thơ đến tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương luôn sáng tạo hết mình. Với anh, để tác phẩm có được một đời sống riêng, nó phải là một bản thể riêng biệt của sáng tạo.