Nhận diện và điều chỉnh những hành vi “lệch chuẩn”

Đời sống - Ngày đăng : 14:11, 16/07/2020

(HNMCT) - Chen lấn, xô đẩy, cãi vã, không nhường chỗ cho đối tượng ưu tiên... là những hành vi còn xuất hiện trên các phương tiện giao thông công cộng.

Không ít người lo ngại, coi đó như một biểu hiện của sự thiếu ý thức trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, sự hạn chế về văn hóa ứng xử. Vì vậy, rất cần tiếp tục nhận diện những hành vi “lệch chuẩn” để từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời, nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhất là ở Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Những điều trông thấy... 

Tại Hà Nội, xe buýt là phương tiện công cộng phổ biến đã, đang góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi mà xe buýt mang lại thì văn hóa ứng xử của một số người đi xe buýt lâu nay vẫn khiến cộng đồng bức xúc. 

Cần nhân rộng cái đẹp trong văn hóa ứng xử trên các phương tiện công cộng để những hành động này “ăn sâu, bén rễ” trong cộng đồng.

Bà Hoàng Thùy Linh (tổ 24, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), một hành khách đã đi xe buýt 8 năm nay, chia sẻ: “Tôi đã không ít lần chứng kiến cảnh người già loay hoay tìm ghế trong lúc người trẻ quay mặt ra hướng khác hoặc nhìn qua nhìn lại bằng cặp mắt vô cảm. Nhiều khi nhân viên bán vé trên xe buộc phải chỉ định người cần nhường ghế, nhưng có không ít trường hợp người được chỉ định... lờ đi, hoặc đứng lên với vẻ mặt cau có. Xe đông là vậy, còn khi xe vắng thì người gác chân lên ghế, người ngả ngớn hớ hênh. Một số người vô tư nói chuyện điện thoại oang oang, thậm chí người trẻ có đôi ôm nhau như chỗ không người”. Còn bà Lê Thùy Dương (phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: “Về phía nhà xe, bên cạnh những tài xế và phụ xe rất nhiệt tình, tốt bụng, vẫn còn lái xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, không để ý đến việc dừng, trả khách, dẫn đến tình trạng hành khách chưa xuống xe mà đã đóng cửa. Phụ xe đôi lúc cũng có lời nói khó nghe, thậm chí lớn tiếng với khách”...

Cá biệt, gần đây trên xe buýt còn có một số hiện tượng phản cảm, hành vi côn đồ. Đơn cử như câu chuyện nữ phụ xe Đỗ Thúy Hinh bị 4 hành khách hành hung khiến chị phải nhập viện; sự việc xảy ra sau khi chị nhắc nhở 4 thanh niên này giữ trật tự, tránh làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Hay như chuyện nữ nhân viên xe buýt bị chửi bới, hành hung chỉ vì nhắc hành khách đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19, chuyện một hành khách nữ bị quấy rối trên chiếc xe buýt chạy tuyến 01 từ Bến xe Gia Lâm tới Bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội)... cũng từng khiến dư luận phẫn nộ, làm dấy lên tâm lý lo ngại ở nhiều người mỗi khi phải di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Xe buýt đã đành, thế nhưng dạo gần đây câu chuyện về văn hóa ứng xử trên máy bay - phương tiện vận chuyển được mặc định là “cao cấp”... cũng xảy ra đủ chuyện “dở khóc, dở cười”. Từ việc dọa có bom nổ, la hét trên máy bay, say rượu, cởi trần, mở cửa thoát hiểm cho đến đi chân đất, vô tư ngủ với đủ tư thế vô duyên, nằm lên đùi người khác, ôm ấp nhau trên máy bay... đều được “phơi” trên các chuyến bay.

Chuẩn mực và sự thích ứng

Để có cách ứng xử phù hợp trên các phương tiện giao thông công cộng, mỗi người cần bồi đắp hiểu biết về chuẩn mực văn hóa ứng xử và khả năng thích ứng với môi trường sống văn minh. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long bày tỏ: “Dân mình xưa nay trọng lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, ra đường thì biết giúp người khác. Có điều cuộc sống hiện đại với nhịp sống gấp gáp giờ đã cuốn trôi nhiều giá trị, trong đó có chuyện coi nhẹ việc học lễ nghĩa, học văn hóa ứng xử từ nhà ra đến đường phố, học ý thức chia sẻ, nhường nhịn, quan tâm đến mọi người. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khách quan là nhiều người chưa thích ứng được với cuộc sống đô thị nên ứng xử chưa chuẩn tại các không gian mang tính đặc thù của đô thị hiện đại”.

Hình ảnh khiến nhiều người cảm thấy bức xúc về một bộ phận những người trẻ thiếu ý thức.

Thêm vào đó, theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, dường như các cơ quan chức năng mới chỉ quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, vận động, thuyết phục mà chưa chú trọng thực hiện chế tài đối với những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. “Nhiều người Việt Nam ra nước ngoài tuân thủ luật của nước sở tại rất tốt; tuy nhiên, cũng con người đó nhưng ở Việt Nam thì lại khác. Rõ ràng là ý thức của người tham gia giao thông phụ thuộc vào công tác giáo dục, hạ tầng giao thông, đào tạo lái xe, quy tắc giao thông, hình thức xử phạt...”, ông Trần Hữu Minh khẳng định.

Nền tảng là xây dựng con người văn hóa

Một đô thị văn minh không thể thiếu văn hóa giao thông bởi đó là biểu hiện rõ nhất về trình độ văn hóa của người dân, trình độ quản lý, và xa hơn là bộ mặt văn hóa của một đô thị, một đất nước. Muốn có văn hóa giao thông thì phải có con người văn hóa. Chính vì thế, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã có những chương trình, kế hoạch bài bản với tầm bao quát sâu rộng nhằm khơi thông dòng chảy văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh.

Có thể kể tới Chương trình 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, hay Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Bên cạnh đó, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng vừa ban hành Văn bản số 2313/SVHTT-NSVH gửi một số sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi ứng xử không phù hợp ở nơi công cộng. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội chỉ đạo các đơn vị quản lý phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn thành phố phổ biến, hướng dẫn lái xe, phụ xe các kỹ năng cần thiết khi phát hiện hành vi trộm cắp, “biến thái” để kịp thời xử lý vụ việc, bảo đảm an toàn cho hành khách. Ngoài ra, cần niêm yết nội dung quy tắc ứng xử trên xe khách, xe buýt, các điểm chờ xe; tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh nhằm nâng cao ý thức của nhân dân, chấn chỉnh hành vi vi phạm...

Thực tế cho thấy đã đến lúc cần có giải pháp “mạnh tay” với những hành vi “lệch chuẩn”. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, để người tham gia giao thông ứng xử văn minh ở nơi công cộng nói chung và khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nói riêng, trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ngay từ mỗi gia đình và nhà trường. Đặc biệt, PGS.TS Tố Quyên nhấn mạnh: “Trước hết cần nhân rộng cái đẹp, trong nhiệm vụ này, truyền thông đóng vai trò quan trọng”. Tiếp đó, để văn hóa ứng xử trên các phương tiện công cộng “ăn sâu, bén rễ” trong cộng đồng, Hà Nội cần có một cơ chế chính sách chung và sự vào cuộc đồng bộ của đơn vị thực thi pháp luật cũng như các thành phần xã hội. 

Những lỗ hổng văn hóa ứng xử nơi công cộng chỉ có thể được lấp đầy bằng việc nâng cao nhận thức của mỗi người và tăng cường tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Đặc biệt, vấn đề này càng trở nên cấp thiết bởi trong tương lai gần một số tuyến đường sắt đô thị - loại hình phương tiện giao thông công cộng văn minh, hiện đại - sẽ được đưa vào hoạt động. Có như thế, văn hóa ứng xử trên các phương tiện công cộng mới đạt tới chuẩn mực trong thực tiễn chứ không chỉ là mơ ước của cư dân đô thị.

Những điều cần nhớ khi đi xe buýt:

Đón xe buýt: Luôn đứng đúng ở vị trí điểm dừng xe buýt. Xem kỹ lộ trình của xe để xác định đúng điểm cần xuống. Khi thấy xe buýt mình cần đi đang chạy tới thì đừng vội chạy ra đón ngay mà hãy quan sát hai phía đầu và đuôi xe xem có phương tiện khác đang đi tới không để hạn chế gây ùn tắc, thậm chí gây tai nạn cho chính mình và người khác. Khi xe dừng thì hãy lên xe theo cửa trước - luôn nhớ nguyên tắc “lên xe cửa trước, xuống xe cửa sau” - trừ trường hợp có sự hướng dẫn của lái/phụ xe.

Di chuyển và đứng trên xe buýt: Khi đã lên xe cần trình vé cho phụ xe hoặc lái xe kiểm tra (trường hợp dùng vé tháng) hoặc mua vé nếu đi vé ngày. Nếu xe đông hãy tìm kiếm vị trí đứng thích hợp nhất. Khi di chuyển cần đi nhanh và cẩn thận, hạn chế va chạm với những người xung quanh. Khi di chuyển và khi đứng trên xe cần bám tay vào các vật cố định như thanh ngang, dây được thiết kế sẵn trên xe...

Ngồi trên xe buýt: Nếu xe vắng khách thì nên chọn chỗ ngồi thích hợp. Đặc biệt sẵn sàng nhường ghế ngồi cho hành khách lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em.

Xuống xe: Khi gần tới điểm cần xuống, hãy di chuyển dần đến cửa sau, tránh tình trạng đến sát điểm dừng mới ra cửa. Trước khi xuống xe cần quan sát có phương tiện giao thông khác đang di chuyển không? Dưới bến có nhiều người không? Đợi xe dừng hẳn hoặc giảm tốc độ đến mức mà bạn có thể an tâm để bước xuống thì hãy di chuyển nhanh để người sau còn xuống trước khi xe chạy tiếp, tránh tình trạng bị kẹt quần áo, thậm chí chân hoặc tay ở cửa xe. Khi xuống xe nếu có hành lý cồng kềnh có thể nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh.

(Theo Diễn đàn Otofun)

Hoàng Lan