Tiếp tục ưu tiên phát triển nguồn nhân lực

Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 16/07/2020

(HNM) - Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề cập cụ thể, toàn diện về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đánh giá kết quả đạt được và nêu lên những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới. Để xây dựng, phát triển Hà Nội thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế vào năm 2025, như mục tiêu của dự thảo, thì cần tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

Để Hà Nội thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế vào năm 2025 cần ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: Nhật Nam

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ nhà giáo

Trước hết, tôi tán thành với các nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong đó có những đánh giá rất cụ thể, toàn diện về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo đó, giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục, số học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế. Nổi bật là: "Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại; hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia".

Tôi cho rằng, để có được những thành tựu đã nêu, đội ngũ nhà giáo Thủ đô không chỉ đạt chuẩn về chuyên môn, mà còn luôn tâm huyết, sáng tạo, đi đầu trong những chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Dự thảo Báo cáo chính trị có thể xem xét, bổ sung nhân tố quan trọng này.

Dự thảo Báo cáo chính trị cũng chỉ rõ những bất cập cần khắc phục, đáng chú ý là xác định rõ những vấn đề đang “nóng” hiện nay. Đó là: “Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo, nhất là ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng được yêu cầu; hiệu quả giáo dục đạo đức học đường, nếp sống, ứng xử văn minh ở các cấp học còn có mặt bất cập”... Theo tôi, những nội dung này cần được thảo luận kỹ và toàn diện, tạo quyết tâm mạnh mẽ trong các cấp ủy Đảng, từ đó xác định phương hướng, hành động mang tính đột phá trong nhiệm kỳ mới.

Phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá

Trong bất kỳ giai đoạn nào, việc phát triển nguồn nhân lực cũng là yếu tố được coi trọng hàng đầu. Tôi đặc biệt tâm đắc với dự thảo Báo cáo chính trị khi xác định nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá trong giai đoạn 2020-2025 của thành phố Hà Nội. Đây vốn là thế mạnh của Thủ đô cần phát huy, cũng vừa là đòi hỏi từ thực tế, nhằm đưa Hà Nội trở thành một trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế.

Để khâu đột phá này thực sự có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp sức cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, tôi cho rằng, cần làm rõ thêm những giải pháp ưu tiên, tập trung tác động vào đó. Do đó, tôi đề nghị khâu đột phá thứ ba, đó là: “Ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực của thành phố để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao…”. Bởi lẽ, có đặt khâu đột phá là ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và nhất là đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, ở mọi lĩnh vực, thì Thủ đô mới đi đầu cả nước trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng đô thị thông minh.

Về cơ bản, tôi tán thành những nội dung giải pháp phát triển giáo dục Thủ đô tại dự thảo Báo cáo chính trị, điều đó thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ thành phố trong việc thúc đẩy giáo dục phát triển toàn diện. Dự thảo đã đặt ra một vấn đề hết sức mạnh mẽ là “Phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là một trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế…”.

Muốn thực hiện được mục tiêu “phát huy tối đa các nguồn lực” cho sự phát triển của giáo dục, tôi đề xuất xây dựng chỉ số tham gia phát triển giáo dục của từng địa phương và có sự đánh giá hằng năm, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy chính quyền các cấp vào nhiệm vụ chăm lo sự nghiệp giáo dục, khắc phục tình trạng ỷ lại, sự thiếu đồng hành.

Để đạt mục tiêu này, ngoài yếu tố cơ sở vật chất trường lớp và vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo, cần làm rõ những cơ chế, chính sách đặc thù để các cơ sở giáo dục của Thủ đô được tự chủ, được ưu tiên giúp nhà giáo học tập, bồi dưỡng về năng lực và phẩm chất, được chọn lọc thường xuyên để có đội ngũ chất lượng cao, tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy nội lực, nâng cao năng lực chuyên môn về mọi mặt.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm