Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh
Chính trị - Ngày đăng : 12:44, 16/07/2020
Dự hội nghị còn có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang và đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành trung ương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Nghị quyết số 106/2020/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 các dự án, dự thảo: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Nghị quyết số 106/2020/QH14 cũng quy định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 gồm: Kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV trình Quốc hội thông qua 4 dự án là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV trình Quốc hội cho ý kiến về 6 dự án: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và các Ủy ban của Quốc hội đã thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021. Trong đó nổi lên một số vấn đề được quan tâm, như: Tiến độ trình dự án luật, pháp lệnh; việc rà soát, khắc phục sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, để hạn chế các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, các cơ quan soạn thảo và các cơ quan thẩm tra cần thực hiện nghiêm túc các quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các dự án luật; bảo đảm hồ sơ dự án luật được tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định, ý kiến thành viên Chính phủ trước khi hoàn chỉnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.