Thời gian học tập, nghỉ hè của học sinh trường tư thục: Mong được tự chủ

Giáo dục - Ngày đăng : 20:14, 17/07/2020

(HNMO) - Thông tin nhận được sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua là dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 theo hướng tăng thời gian nghỉ hè, các trường không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Đây là mong muốn của nhiều học sinh, song cũng có nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, không cần thiết quy định cứng, nhất là với các trường tư thục, mà nên để các trường tự chủ triển khai căn cứ vào nhu cầu của học sinh.

Năm học 2020-2021, các trường học trên cả nước sẽ đồng loạt khai giảng vào ngày 5-9-2020. Ảnh: Zing.

Học sinh được nghỉ hè dài hơn

Ông Phạm Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quy định thống nhất trên cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5-9-2020; các nhà trường không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng và chỉ được tập trung học sinh sớm nhất từ ngày 1-9-2020.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, điều chỉnh thời gian thực học cho cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 37 tuần như hiện nay xuống còn 35 tuần. Học sinh và giáo viên sẽ được tăng thời gian nghỉ hè.

Như vậy, so với Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16-6-2017 ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018 và đang có hiệu lực thi hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những dự kiến điều chỉnh đáng kể.

Theo quy định hiện hành, thời gian tổ chức khai giảng vẫn được chốt cố định là ngày 5-9 hằng năm, song các nhà trường được phép tựu trường, đón học sinh từ ngày 1-8, sớm hơn dự kiến hiện nay 1 tháng. Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT cũng không có nội dung quy định các trường không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng.

Vì vậy, thực tế từ năm học 2017-2018 đến nay, hầu hết học sinh đều chỉ có 2 tháng nghỉ hè. Nếu quy định mới được áp dụng, năm học 2020-2021, học sinh sẽ có 3 tháng nghỉ hè.

Bà Lê Thị Quỳnh Chi, số 54, phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) cho rằng: "Có thêm thời gian nghỉ hè là mong muốn của nhiều gia đình và học sinh. Tuy nhiên, thực tế có nhiều gia đình lại gặp khó khăn, vì không có điều kiện để chăm sóc, quản lý con trong hè. Những người có con ở độ tuổi tiểu học thì cần nơi để trông giữ; các ông bố, bà mẹ có con lớn hơn thì muốn nhờ thầy, cô quản lý, hỗ trợ con học tập để đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi. Nếu bây giờ có quy định bắt buộc chỉ được đón học sinh từ ngày 1-9, có lẽ nhiều gia đình sẽ khó xoay sở".

 Cần sự linh hoạt

Mong muốn được tự chủ, linh hoạt trong kế hoạch tổ chức dạy học là ý kiến của các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội. Ông Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kinh Đô (huyện Đông Anh) cho rằng, việc tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Hệ thống trường tư thục được xây dựng và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, nhất là khi mạng lưới trường công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, cần có động lực để các trường phát triển.

Cũng theo ông Hoàng Hữu Niềm, việc ban hành quy định giảm thời lượng học, tăng thời gian nghỉ hè cho học sinh là phù hợp, song cần có sự linh hoạt. Các trường tư thục hoạt động theo quy luật cung - cầu, phát triển được là từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Các nhà quản lý chỉ nên đưa ra khung quy định chung.

Ví dụ, cấp trung học cơ sở thực hiện thời gian thực học 35 tuần, việc triển khai các hoạt động khác với quỹ thời gian ra sao, nên tạo điều kiện cho các trường thực hiện linh hoạt căn cứ theo nhu cầu của học sinh và sự thỏa thuận với phụ huynh.

Đồng tình với việc nên để các trường tư thục linh hoạt trong việc thực hiện Khung kế hoạch thời gian năm học, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Viết Cẩn cho rằng, cơ quan quản lý chỉ nên giám sát chất lượng và việc thực hiện quy chế công khai, các quy định khác của pháp luật. Cách thức này vừa tạo động lực để các trường tư thục phát triển, vừa có thể đáp ứng nhu cầu xã hội.

Phản hồi mới đây về vấn đề này, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Năm học 2020-2021, các trường tư thục vẫn thực hiện quy định theo Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.

Theo đó, trường phổ thông tư thục được tự chủ có trách nhiệm thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học và kế hoạch thời gian năm học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường phổ thông tư thục phải bảo đảm việc dạy đủ và đúng tiến độ chương trình cho cấp học, lớp học.

Riêng trường phổ thông tư thục ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học, nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung.

Về thời gian học tập và nghỉ hè năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tư thục báo cáo sở giáo dục và đào tạo địa phương về thời gian tập trung học sinh đến trường, song cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học 2019-2020 muộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thống Nhất