Nỗ lực giúp người lao động

Đời sống - Ngày đăng : 07:16, 18/07/2020

(HNM) - Hơn 4.000 đơn vị, doanh nghiệp tại Hà Nội bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kéo theo hàng trăm nghìn người lao động bị mất, hoặc thiếu việc làm. Đến nay, Hà Nội chưa có doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động. Trước tình hình này, các đơn vị, cơ quan chức năng của thành phố nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn.

Trầy trật xin việc làm mới

Vừa thử việc tại Trường Mầm non Mickey Montessori (quận Thanh Xuân) chưa được một tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, nên chị Phạm Bích Hà, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) nghỉ làm liên tiếp trong 3 tháng. Sau dịch, chị Hà liên hệ với đại diện nhà trường để tiếp tục đi làm nhưng cơ sở đã sang nhượng. "Tôi tìm đến một số cơ sở mầm non tư thục khác thì hầu hết các trường đều giảm nhân công thời vụ", chị Hà buồn bã nói.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nga, ở trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho biết: "Ngoài tìm việc trên mạng, tôi tranh thủ tìm kiếm thông tin qua các tờ rơi, bảng tin của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long để tham gia phỏng vấn tại 3 công ty, nhưng hiện vẫn chưa được nơi nào nhận". Tương tự, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội những ngày qua nhận được rất nhiều đơn xin việc của người lao động. Anh Nguyễn Văn Công, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) bộc bạch: "Trong cả tháng 6, tôi đi nhiều nơi để tìm việc nhưng không được. Khi đến đây, qua 2 lần nộp hồ sơ tôi đều nhận được câu trả lời là chờ thêm".

Nhân viên tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Về thực trạng trên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành thông tin, hiện có 4.026 đơn vị, doanh nghiệp Thủ đô (trong đó có 980 doanh nghiệp) ngừng hoạt động; 19.000 lao động mất việc làm, 129.000 lao động thiếu việc làm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hà Nội có trên 40.000 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, tăng 27,44% so với cùng kỳ năm 2019. 

Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động        

Trao đổi về các giải pháp hỗ trợ người lao động, theo ông Vũ Quang Thành, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiến hành thu thập thông tin việc làm trống, hồ sơ của những người đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và cả các lao động tự do cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động đồng bộ, cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động.

"Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm để lao động bị mất việc, ngừng việc, thiếu việc có thể làm các công việc bán thời gian… Đơn vị cũng chủ động thiết lập các mối quan hệ với doanh nghiệp để đề xuất giải pháp giúp người lao động tìm việc và hỗ trợ doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng phù hợp", ông Vũ Quang Thành cho hay.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố đã hỗ trợ đợt 1 cho 1.590 người lao động có hoàn cảnh khó khăn (1 triệu đồng/người). Công đoàn cơ sở hỗ trợ 500.000 đồng/ người. Liên đoàn Lao động thành phố cũng đề xuất với UBND thành phố yêu cầu ngành Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội tạo điều kiện cho lao động bị mất việc được hưởng, gia hạn thời gian hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp bị quá thời hạn vì lý do bất khả kháng. Phối hợp với các địa phương, sở, ngành tăng cường quản lý, để doanh nghiệp không chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, thực hiện đúng chế độ, chính sách với lao động bị ngừng việc, mất việc…

Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, tính đến ngày 13-7, Sở đã chi trả 500 tỷ đồng cho hơn 436.000 người thuộc diện được hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng (trong đó, 51.000 người lao động tự do, hộ kinh doanh được hỗ trợ 52 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Sở đề nghị UBND thành phố cho phép ủy thác nguồn vốn ngân sách thành phố sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm… Ngày 16-7 mới đây, Sở cũng đã kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ nới lỏng tiêu chí, mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội.

“Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, bền vững vẫn là thúc đẩy đầu tư, khởi nghiệp để tạo việc làm mới. Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” cuối tháng 6 vừa qua, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn 405.570 tỷ đồng. Các dự án này sẽ thu hút hàng chục nghìn lao động nên phải chuẩn bị đón đầu ngay từ bây giờ. Sở đang lên kế hoạch phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổ chức những hội nghị tiếp xúc với các chủ đầu tư này để nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của họ, từ đó lên kế hoạch đáp ứng”, ông Nguyễn Hồng Dân thông tin.

Tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ của các cấp, ngành chức năng, người lao động sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống.

Dung - Ngân