Những người ''trông nắng, trông mưa''

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:18, 18/07/2020

(HNNN) - Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, phòng tránh, hạn chế thiệt hại bởi thiên tai, công tác dự báo khí tượng thủy văn có vai trò đặc biệt quan trọng. Thế nhưng không phải ai cũng biết đến sự cống hiến thầm lặng của những người làm nghề “trông nắng, trông mưa”. Chúng tôi đến Trạm Khí tượng thủy văn Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội) vào một ngày nắng như đổ lửa để hiểu hơn về những khó khăn, vất vả và sự hy sinh, cống hiến của họ.

Anh Đỗ Xuân Hinh kiểm tra số liệu quan trắc.

Nhọc nhằn nghề quan trắc

Trạm Khí tượng thủy văn Ba Vì nằm trên một gò cao ở xã Vân Hòa, không gian yên tĩnh và rộng rãi. Tiếp chúng tôi, Trạm trưởng Phùng Hữu Hưởng vui vẻ giới thiệu: Trạm hiện có 5 quan trắc viên được phân công trực theo ca. Thật trùng hợp là cả 5 cán bộ của trạm đều có quê hương ở các xã nằm dưới chân non thiêng Ba Vì.

Công việc khí tượng nông nghiệp chủ yếu do Trạm phó Đinh Công Hùng (sinh năm 1975) và “chị cả” Nguyễn Thị Loan (1966) đảm nhiệm. Hằng ngày họ nghiên cứu sự tăng trưởng của cây chè, cây cỏ vua - vốn phù hợp với thổ nhưỡng Ba Vì để đưa ra những đánh giá chính xác nhất phục vụ cho phát triển nông nghiệp địa phương. Đây cũng là hai người có thâm niên gắn bó với Trạm Khí tượng thủy văn Ba Vì lâu nhất. Còn nhiệm vụ của hai quan trắc viên Đỗ Xuân Hinh (sinh năm 1978) và Lê Thị Bích Thủy (1981) chủ yếu là quan sát máy móc, thiết bị quan trắc, ghi chép các số liệu về khí tượng như nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, mưa, nắng, mây, hướng gió…

Trạm trưởng Phùng Hữu Hưởng chia sẻ: Nghe thì đơn giản nhưng để đưa ra được dự báo với xác xuất nhỏ nhất thì quan trắc viên viên cần phải có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm, cảm nhận tốt về thời tiết và phải biết kết hợp giữa phương pháp dự báo thời tiết hiện đại và truyền thống. Hằng ngày, dù nắng hay mưa, kể cả giữa lúc có giông bão, các quan trắc viên của trạm vẫn phải miệt mài quan sát, cập nhật số liệu, ghi chép cẩn thận. Từ sáng sớm đến đêm, cứ 6 tiếng/lần họ phải ra thăm vườn khí tượng để kiểm tra từng mẫu đất, đong đo từng hạt mưa trong bể chứa... rồi tập hợp số liệu báo về trung tâm. Sau khi cập nhật số liệu quan trắc thực đo của các trạm khí tượng thủy văn trên cả nước, trong đó có trạm Ba Vì, các chuyên gia của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia sẽ tổng hợp, tính toán để từ đó đưa ra các bản tin dự báo thời tiết, là cơ sở để mọi ngành, mọi người phòng tránh, giảm nguy cơ thiệt hại do thiên tai.

Tiếng là trẻ nhất trạm nhưng quan trắc viên Lê Thị Bích Thủy cũng đã suýt soát 40 tuổi và có thâm niên 20 năm trong nghề. Chị Thủy kể, để “bám trụ” được với công việc, chị phải rèn thói quen dậy từ sớm tinh mơ lo việc gia đình, chuẩn bị cho hai con đi học và cho chồng cũng là đồng nghiệp (làm việc tại Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, cách nhà hơn 30 cây số). Xong việc “tề gia nội trợ” là bắt tay ngay vào công việc “đi ốp” (thuật ngữ chuyên môn của ngành Khí tượng thủy văn chỉ công việc vừa nhìn vào máy đo vừa ghi số liệu). Chị Thủy kể, với những người quan trắc viên, công việc cập nhật số liệu ngoài trời suốt mấy chục năm làm nghề khí tượng đã trở thành một phản xạ bản năng và gần như “mất cảm giác” với thời tiết, kể cả những lúc mưa to gió lớn, bão giật… Có những hôm vào ca trực đêm, quãng gần 1h giờ sáng chị bật dậy theo thói quen, cứ thế mở cửa ra vườn khí tượng mà không để ý trời đang mưa rất to do ảnh hưởng của bão…

Chị Thủy kiểm tra nhiệt độ của đất trong vườn khí tượng.

Lặng thầm cống hiến

Có lẽ câu chuyện cuộc đời mình mà Trạm trưởng Phùng Hữu Hưởng kể cho chúng tôi nghe có sức hút chẳng kém gì câu chuyện về anh cán bộ khí tượng thủy văn trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa nổi tiếng cách đây mấy chục năm. Mới ngoài 40 tuổi nhưng Phùng Hữu Hưởng đã kinh qua 11 trạm khí tượng thủy văn, từ biển đảo xa xôi đến những điểm cao hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Dường như tất cả những nơi xa xôi, khó khăn nhất của ngành Khí tượng thủy văn nước nhà đều đã in dấu chân anh.

Nếu nói rằng bất kỳ nhà văn nào mà gặp Phùng Hữu Hưởng cũng có thể viết được một cuốn tiểu thuyết về hình tượng người cán bộ khí tượng thủy văn chắc cũng chẳng ngoa. Sinh năm 1979, quê ở Ba Vì, cách đây 20 năm, khi mới ra trường Phùng Hữu Hưởng được phân công công tác tại Trạm Khí tượng Thủy văn Phan Rang. Sống và làm việc ở nơi “gió như phang, nắng như rang” đối với chàng trai trẻ quê xứ Đoài mây trắng này quả thật là một thử thách khắc nghiệt.

Thế nhưng đó mới chỉ là “màn khởi động”, chưa thấm vào đâu so với những nỗi vất vả sau này Hưởng trải qua. Sau một thời gian công tác ở Phan Rang, anh được phân công ra đảo Trường Sa Lớn, một mình một trạm khí tượng thủy văn giữa trùng khơi. Ngày ấy thông tin liên lạc còn khó khăn, cả năm chỉ có khoảng dăm phút gọi điện về nhà nên trước đó hằng tháng Hưởng phải viết thư về gia đình, dặn dò rằng trước thời khắc giao thừa chừng một giờ thì sang nhà hàng xóm để chờ điện thoại anh gọi về. Cho đến tận bây giờ, nhớ lại những lúc bồi hồi áp tổ hợp điện thoại vào tai, nghe tiếng bố mẹ mà nước mắt chỉ chực trào ra, nghẹn ngào mãi mới nói được câu “con vẫn khỏe”, anh vẫn còn rưng rưng…

Hết nhiệm kỳ ở hải đảo xa xôi, Phùng Hữu Hưởng trở về đất liền, nhưng rồi công việc của người “đo gió, đếm mây” lại đòi hỏi anh phải lên đường. Lần này anh nhận nhiệm vụ đến huyện Bắc Mê heo hút, cực kỳ khó khăn của tỉnh Hà Giang. Bắc Mê ngày đó mới xây dựng lại huyện lỵ mới nên một mình Hưởng quản lý cả hai cơ ngơi. Trạm khí tượng thủy văn mới xây dựng nằm trên đỉnh núi cheo leo, cách trạm cũ 7km nhưng đường đi quanh co, một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút bên dòng sông Gâm... Có những ngày lạnh thấu xương, những hôm sương mù bao phủ, đứng cạnh nhau mà không nhìn rõ mặt, vậy mà đều đặn mỗi ngày Hưởng phải đi lại, quản lý cả hai trạm…

Cứ thế rong ruổi, kinh qua công tác ở nhiều trạm khí tượng thủy văn trên khắp các vùng miền đất nước, mãi đến khi sắp bước sang tuổi trung niên Phùng Hữu Hưởng mới được điều chuyển về làm Trạm trưởng Trạm Khí tượng thủy văn Ba Vì - cách nhà anh hơn 20 cây số. Khỏi phải nói bố mẹ anh mừng như thế nào. Ngay trong năm đầu tiên Hưởng chuyển công tác về “gần nhà”, gia đình đã sắp xếp để anh làm quen rồi lập gia đình với một cô gái nết na ở cùng thôn. Đến bây giờ thì Phùng Hữu Hưởng đã có một gia đình hạnh phúc với ba đứa con ngoan ngoãn, kháu khỉnh.

Câu chuyện về những người “trông nắng, trông mưa” ở Trạm Khí tượng thủy văn Ba Vì gơi nhắc đến những ca từ trong bài hát Khát vọng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “Hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội/ Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao/ Hãy sống như biển trào, để thấy bờ bến rộng/ Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông...”. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng nhưng tất cả vẫn toát lên khí chất, bản lĩnh của những người đã, đang lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp khí tượng thủy văn, cho đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Bài và ảnh: Triệu Dương