Chủ động phòng, chống cháy rừng
Công nghệ - Ngày đăng : 06:34, 19/07/2020
Nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm
Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 109 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 269ha rừng. Còn tại Hà Nội xảy ra 11 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 11ha rừng. Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, trong tháng 7 và tháng 8 có thể xảy ra từ 4 đến 5 đợt nắng nóng, có nơi nhiệt độ trên 40 độ C, do vậy, nguy cơ cháy rừng, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung là rất cao.
Cháy rừng có nhiều nguyên nhân, ngoài yếu tố thời tiết còn do ý thức về phòng cháy, chữa cháy rừng của người dân và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa cao. Với thành phố Hà Nội, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Nguyễn Tiến Lâm cho biết, rừng trên địa bàn thành phố chủ yếu là rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất. Do thảm thực bì dày, khô nỏ, cây bụi rậm rạp, thảm mục dưới tán rừng đã tích tụ nhiều năm nên trong điều kiện thời tiết nắng nóng nguy cơ cháy luôn tiềm ẩn.
Là chủ nhận khoán 4ha rừng, ông Nguyễn Tiến Hữu (xóm Thung Mộ, thôn 6, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) cho biết, rất khó khăn trong việc quản lý các nguồn lửa từ ngoài vào rừng, nhất là dịp cuối tuần - thời điểm thanh niên trong và ngoài địa phương đi dã ngoại tự phát. Trong khi đó, dụng cụ chữa cháy tại chỗ của người dân rất đơn sơ, chủ yếu là dùng cành cây xanh để dập lửa, không có dụng cụ chuyên dụng.
Từ đầu năm 2020 tới nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra 9 vụ cháy rừng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy rừng là do một số chủ rừng không vệ sinh đường băng cản lửa trước mùa cháy; việc kiểm soát nguồn lửa trong thời kỳ cao điểm chưa thực hiện tốt... Thực tế vẫn còn không ít người dân thờ ơ, không tích cực trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng. Mặt khác, hầu hết các vụ cháy rừng chưa tìm được thủ phạm nên không có người chịu trách nhiệm, do đó chưa thể hiện được tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật trong bảo vệ rừng.
Lực lượng nòng cốt là người nhận khoán rừng
Trước nguy cơ cháy rừng ở mức nguy hiểm, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng là cần thiết trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay. Bộ NN&PTNT đã đề nghị các địa phương điều chỉnh phương án phòng, chống và chữa cháy rừng phù hợp với thực tiễn; đồng thời chỉ đạo chủ rừng phải thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng; yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị công nghệ cao trong công tác này. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Về công tác phòng, chống cháy rừng của Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, trước mùa nắng nóng, các cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong giải pháp “4 tại chỗ”, thay vì lấy lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng (tổ chức, địa phương) làm nòng cốt như trước đây, Hà Nội chọn các hộ dân trực tiếp nhận khoán rừng làm lực lượng nòng cốt tại chỗ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Minh Quang huyện Ba Vì Phạm Tiểu Long cho rằng, trong phòng cháy, chữa cháy rừng cần lấy người dân có rừng làm lực lượng nòng cốt. Bởi lẽ chủ hộ là người hiểu rõ đặc điểm, địa hình rừng của gia đình mình, khi xảy ra sự cố sẽ kịp thời phát hiện, xử lý đám cháy.
Từ thực tiễn ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết thêm, với phương châm phòng ngừa là chính, các xã, thị trấn, chủ rừng bố trí lực lượng canh phòng, thường xuyên tuần tra tại những nơi có nguy cơ cháy rừng để sẵn sàng đối phó khi có đám cháy xảy ra.
Về giải pháp lâu dài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội đang đẩy mạnh quản lý và phát triển rừng bền vững, trong đó chú trọng đến các giải pháp để nâng cao đời sống người làm nghề rừng, người dân sinh sống trong khu vực gần rừng và có rừng. Qua đó người dân sẽ gắn bó với rừng, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thông tin, để bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Bộ NN&PTNT và các địa phương xây dựng dự án “Tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2025”. Đây là giải pháp căn cơ để Bộ cùng các địa phương chủ động bảo vệ và phòng, chống cháy rừng một cách hiệu quả.