Làm rõ hơn về mô hình chính quyền đô thị

Chính trị - Ngày đăng : 08:16, 19/07/2020

(HNM) - Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, một số ý kiến đặc biệt quan tâm tới hiệu lực điều hành của chính quyền các cấp. Đặc biệt, trong bối cảnh sắp tới Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, các ý kiến mong muốn làm rõ, sâu sắc hơn tính hiệu quả của thiết chế này.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính nhà nước cần tiếp tục phát huy khi thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: Hiền Chi

Đảng viên Trương Khánh Toàn (Chi bộ Khu dân cư số 7, Đảng bộ phường Mai Động, quận Hoàng Mai):
Đẩy mạnh tuyên truyền về chính quyền đô thị

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề cập khái quát, toàn diện các nội dung quan trọng trên tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên, trong phần thứ hai về “Mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020-2025”, ở nội dung thứ 11 “Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị” mới đề cập đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt ở quận, thị xã nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, mà chưa đề cập rõ khi thực hiện chính quyền đô thị thì điều thay đổi cụ thể như thế nào, đem lại lợi ích gì cho người dân?

Qua tìm hiểu, tôi thấy, khi đó chính quyền sẽ thay đổi cách làm việc để thích ứng với việc điều hành của chính quyền đô thị. Với quá trình cải cách hành chính mạnh mẽ vừa qua, cơ quan hành chính nhà nước cấp quận, cấp phường đã có nhiều chuyển biến tích cực (một người kiêm nhiều việc, cán bộ bộ phận “một cửa” có kỹ năng giao tiếp tốt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc…). Nhưng tôi còn băn khoăn là điều đó đã đáp ứng được với yêu cầu của chính quyền đô thị hay chưa? Rồi khi không còn HĐND phường thì vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường sẽ nặng hơn, vậy hình thức hoạt động của tổ chức này sẽ như thế nào? Theo tôi, thành phố cần cụ thể hóa hơn nữa nội dung này trong dự thảo Báo cáo chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền để đảng viên, người dân biết về chính quyền đô thị, tạo đồng thuận trong xã hội.

Đảng viên Phạm Văn Trường (Chi bộ số 9, Đảng bộ phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm):
Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ

Về mục tiêu, nhiệm vụ, trong nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể là ở phần “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của UBND và cơ quan hành chính các cấp”, tôi đồng tình với phương hướng: “Tiếp tục thực hiện quan điểm “người dân và doanh nghiệp” là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp và “sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp” là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, từ thành phố tới chính quyền các cấp cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ trong khâu sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, cần chú trọng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chính quyền các cấp cần phát huy tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, coi “sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp” là thước đo để đánh giá hiệu quả công việc và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Đảng viên Bùi Thị Trưng (Chi bộ số 1, Đảng bộ phường Láng Thượng, quận Đống Đa):
Phát huy tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp

Tôi đánh giá cao Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề cập được những kết quả tiêu biểu trong thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy khóa XVI, đặc biệt là Chương trình 08-CTr/TU về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”.

Sắp tới, Hà Nội thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, do đó tôi cho rằng phần phương hướng của báo cáo cần nêu rõ phương án triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả mô hình này. Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu: “Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các cấp, các ngành theo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố”, vì vậy, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị để góp phần hoàn thiện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính thành phố Hà Nội.

Hiền Thu