Giảm người nhưng không giảm chất lượng công việc
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 07:37, 20/07/2020
Thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Nghị định 34), thành phố Hồ Chí Minh sẽ có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn dôi dư sau sắp xếp là 2.299 người. Lường trước được những khó khăn sau khi thực hiện cắt giảm cán bộ không chuyên trách, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp như tăng cường dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính, sắp xếp lại cán bộ.
Phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) có 64 cán bộ, công chức nhưng phải phục vụ hơn 126.000 dân. Chỉ riêng lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, mỗi ngày UBND phường tiếp nhận trên 200 hồ sơ, có lúc cao điểm lên đến trên 500 hồ sơ. Lĩnh vực này hiện do 4 cán bộ phụ trách giải quyết (2 cán bộ chuyên môn và 2 cán bộ không chuyên trách).
Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A cho biết, theo lộ trình, phường phải giảm hơn 20 cán bộ không chuyên trách. Điều này sẽ tăng thêm khối lượng công việc cho những cán bộ, công chức còn lại. Để công việc thông suốt, đặc biệt là thủ tục hành chính, phường đã tăng cường dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đồng thời bố trí lại nhiệm vụ cán bộ một cách hợp lý hơn. Đơn cử, lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, phường đã bố trí 2 cán bộ không chuyên trách phụ trách ở bộ phận “một cửa”, có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét hồ sơ, hướng dẫn người dân. Nếu hợp lệ, hồ sơ sẽ được chuyển vào cho 2 cán bộ chuyên môn xác nhận.
Tương tự, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có khoảng 170.000 dân. Hiện cán bộ không chuyên trách của xã là 57 người. Khi thực hiện Nghị định 34, xã chỉ còn 14 cán bộ không chuyên trách. Ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, để giải quyết hiệu quả công việc khi giảm cán bộ không chuyên trách, cách duy nhất là xã phải đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Vấn đề được các địa phương quan tâm trong thời điểm này là chế độ chính sách đối với những cán bộ phải cắt giảm. Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Nghị định 34 của Chính phủ không quy định việc thực hiện giải quyết chế độ, chính sách đối với trường hợp người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi, ổn định tinh thần và tạo điều kiện cho cán bộ hoạt động không chuyên trách sau khi cắt giảm ổn định cuộc sống, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mức chi trả chế độ cho 2.299 người, với thời gian công tác là 10 năm/người, mỗi năm được hỗ trợ 1 tháng lương, thì kinh phí dự kiến để chi trả trợ cấp là trên 120 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được trích từ ngân sách thành phố.