Hơn 345 nghìn suất quà đã đến với người có công trên địa bàn Hà Nội
Đời sống - Ngày đăng : 15:40, 21/07/2020
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, đến thời điểm này, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã triển khai kế hoạch kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà, tri ân, chăm sóc người có công. Tổng phần quà đã gửi đến người có công và thân nhân trên địa bàn Hà Nội dịp này là hơn 345 nghìn suất với kinh phí gần 149,6 tỷ đồng, trong đó có gần 121 nghìn suất quà của Chủ tịch nước với kinh phí gần 24,6 tỷ đồng; hơn 121 nghìn suất quà của thành phố Hà Nội với kinh phí hơn 97 tỷ đồng và hơn 103 nghìn suất quà của các địa phương với kinh phí hơn 8,9 tỷ đồng…
Như vậy, mức quà tặng của thành phố Hà Nội đối với người có công dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ không thay đổi so với năm 2019. Cụ thể, mức quà tặng 1 triệu đồng/suất được gửi tới Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ... Mức quà tặng 500 nghìn đồng/suất được gửi tới đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ.
Ngoài phần quà dành tặng cá nhân và gia đình người có công, dịp này, thành phố Hà Nội tổ chức thăm, tặng quà 45 trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đơn vị sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của thương binh, bệnh binh (mỗi suất quà trị giá từ 6 đến 11 triệu đồng); đồng thời thăm, tặng quà 72 cá nhân tiêu biểu (mỗi suất quà trị giá 2,5 triệu đồng)…
Các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc người có công nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Đến nay, toàn thành phố vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt gần 22 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra; tặng hơn 3.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa với hơn 4,2 tỷ đồng, đạt gần 130% kế hoạch; tu sửa, nâng cấp 70 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 300 nhà ở người có công… Các đơn vị, địa phương đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 15.000 lượt người có công…
Đặc biệt, thực hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ ngày 20-7 đến 26-7, lãnh đạo thành phố Hà Nội đi thăm, tặng quà các cá nhân, gia đình chính sách tiêu biểu. Tối 26-7, Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn và tại tất cả nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, ngày 27-7, Hà Nội tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân tại Nghĩa trang Mai Dịch, Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn và Nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi…
Ngoài ra, thành phố phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đón 300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng về dự chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020”, diễn ra từ ngày 23 đến 25-7 tại Hà Nội…
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học khẳng định, công tác tri ân, chăm sóc người có công, các phong trào đền ơn, đáp nghĩa được triển khai sâu rộng trên địa bàn Hà Nội đã góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời tạo thêm nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các hộ người có công còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đó là nét đẹp văn hóa cần được các tầng lớp nhân dân Thủ đô gìn giữ, phát huy.