Hà Nội triển khai phong trào thi đua ''An toàn thực phẩm'': ''Xây'' sạch, ''chống'' bẩn
Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 22/07/2020
Nhiều mô hình hay, cách làm tốt
Có mặt tại buổi tập huấn hướng dẫn giám sát bữa cỗ tập trung đông người cho hơn 100 giám sát viên được tổ chức ngày 20-7, tại Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, không khí làm việc nghiêm túc, sôi nổi giữa giảng viên và học viên. Những kiến thức về an toàn thực phẩm, phương pháp giám sát, quy trình giám sát các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại bữa cỗ, thực hành test nhanh kiểm tra thực phẩm… được giảng viên truyền tải rất cụ thể đến học viên.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên Tiêu Ngọc Chiến chia sẻ, năm 2016, Phú Xuyên là một trong hai huyện đầu tiên của Hà Nội được chọn để triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người. Từ 5 xã đầu tiên, đến nay trên địa bàn huyện đã có 20/27 xã, thị trấn triển khai mô hình này. “Trước đây, Phú Xuyên từng xảy ra các vụ ngộ độc tập thể tại bữa cỗ tập trung đông người. Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào. Tới đây, huyện sẽ nhân rộng mô hình này”, ông Tiêu Ngọc Chiến cho biết.
Theo Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội) Lê Thị Hằng, từ năm 2007 đến năm 2019, Hà Nội đã ghi nhận 44 vụ ngộ độc thực phẩm, với 1.199 người mắc, trong đó có 13 vụ ngộ độc liên quan đến bữa cỗ tập trung đông người (chiếm 29,5%). Do đó, việc triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người là rất cần thiết nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng. "Qua hiệu quả của mô hình, từ 2 địa phương triển khai điểm là Phú Xuyên và Thanh Oai, đến hết năm 2019, thành phố đã nhân rộng đến 15 quận, huyện, thị xã với 155 xã, phường, thị trấn. Hiện, mô hình này đã được nhiều địa phương trên cả nước học tập và làm theo", bà Lê Thị Hằng thông tin.
Cùng với đó, hơn 2 năm qua, Hà Nội đã xây dựng thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 14 tuyến phố của 12 quận, huyện. Từ khi được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, diện mạo của những tuyến phố như Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); phố Nguyễn Sơn, chợ ẩm thực Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên); phố Hàm Nghi (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm)… đã thay đổi rõ rệt, các nhà hàng ăn uống đều khang trang, lịch sự.
Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tất cả 48 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố Hàm Nghi đều được gắn biển nhận diện “Nhà hàng (cửa hàng) an toàn thực phẩm có kiểm soát”. “Chúng tôi yêu cầu các cơ sở ở đây phải công khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm, như: Mua gì, ở đâu, số điện thoại, hợp đồng. Khi kiểm tra, nếu các cơ sở không đáp ứng các yêu cầu này, chúng tôi xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Khắc Tuấn (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) cho biết, khi bước chân vào những quán ăn có gắn biển nhận diện, ngoài sự thay đổi về diện mạo, cơ sở vật chất, thái độ phục vụ, việc các cơ sở kinh doanh công khai nguồn gốc thực phẩm đã giúp khách hàng yên tâm hơn.
Không chỉ dừng ở phong trào
Cùng với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, các cơ quan chức năng của thành phố còn tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố kiểm tra được hơn 514.345 lượt cơ sở kinh doanh thực phẩm, đã xử phạt 28.614 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 476 tỷ đồng và nhắc nhở 38.467 cơ sở. Đặc biệt, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 4 vụ, 7 đối tượng sản xuất kinh doanh thực phẩm giả nhãn mác, kém chất lượng... Qua đó giúp các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thấy rõ hơn trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Trần Ngọc Tụ cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc nhân rộng các mô hình hay về vệ sinh, an toàn thực phẩm còn gặp khó khăn. Đơn cử như, có những cơ sở kinh doanh nằm trong “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, nhưng không muốn thay đổi cơ sở vật chất cho phù hợp với tiêu chí. Không ít gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người chưa hợp tác với lực lượng chức năng trong việc ký cam kết, tuân thủ các tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm...
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá những mô hình kể trên đã góp phần đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm dần đi vào quỹ đạo, hướng đến “xây” thực phẩm sạch và “chống” thực phẩm bẩn. Thực tế, lãnh đạo chính quyền địa phương và cán bộ thanh tra về thực phẩm là người nắm rõ nhất nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt để có biện pháp nhân rộng mô hình hay, đồng thời chấn chỉnh kịp thời vi phạm. "Để những mô hình hay về an toàn thực phẩm không chỉ dừng lại ở phong trào thi đua, thực sự đi vào cuộc sống, cần sự tham gia tích cực hơn nữa của chính quyền các địa phương và mỗi người dân", ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.