Nghĩ về câu hát tri ân
Văn hóa - Ngày đăng : 10:21, 23/07/2020
Có những người lính không trở về
Trung tuần tháng 7-2020, tôi cùng những người bạn thăm nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Chúng tôi chia nhau thắp nén tâm hương lên từng ngôi mộ, đứng một lúc lâu trước mộ đồng chí Lê Hồng Phong, mộ chị Võ Thị Sáu. Một cảm giác thật ấm cúng. Tôi lẩm nhẩm câu hát về người con gái mang tên Võ Thị Sáu, về tuổi thanh xuân của chị và về tư thế hiên ngang anh dũng hy sinh của nữ anh hùng tuổi 16. Những câu hát vừa tự hào, vừa xót xa, thổi bùng lên tình yêu quê hương với lòng biết ơn giá trị của cuộc sống thanh bình hôm nay. Người bạn đồng hành, nhà báo Nguyễn Long chia sẻ: “Chúng ta phải đến đây, để cảm nhận rõ hơn về Tổ quốc, để cảm nhận được đúng nghĩa của hai từ bình yên”. Anh khe khẽ hòa ca, cùng chúng tôi tri ân về người con gái quê hương Đất Đỏ.
Tôi tin rằng có nhiều áng thơ văn, nhiều giai điệu âm nhạc sống cùng thời gian được bắt nguồn từ những chuyến đi tới địa danh, vùng đất đặc biệt như thế. Cỏ non thành cổ được sáng tác trong chuyến đi thực tế tại Quảng Trị của nhạc sĩ Tân Huyền. Thăm những nơi còn ghi dấu sự khốc liệt của cuộc chiến, được trò chuyện với những con người từng đi qua lửa đạn chiến tranh, cảm nhận được sự hy sinh mất mát to lớn của đất nước, của biết bao gia đình và nhìn thấy sự hồi sinh trên mảnh đất ấy khiến nhạc sĩ rung động và những câu hát đã ra đời: “Cỏ non thành cổ, một màu xanh non tơ…”, rồi “Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/ Người vợ nào, người mẹ nào, ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về...”.
Người về trong mất mát
Cuộc chiến nào cũng vậy, nỗi đau không chỉ có ở chiến trường mà còn theo chân những người trở về, in hằn trong mỗi gia đình. Hình ảnh người thương binh được tái hiện trong ca khúc Đưa chú thương binh qua đường của nhạc sĩ Trần Đức hay Vết chân tròn trên cát của nhạc sĩ Trần Tiến... hết sức bình dị mà gây xúc động mạnh. Đáng chú ý ở đây là hình ảnh những người thương binh trong âm nhạc luôn ẩn chứa thông điệp về lịch sử, về truyền thống đẹp của dân tộc, họ trở về làm những người thầy ươm mầm xanh cho đất nước.
Còn biết bao câu chuyện, những mảnh đời, thân phận đã được các nhạc sĩ kể lại bằng âm nhạc. Đó là những cô gái trẻ khắc khoải trong nỗi nhớ: “Thế rồi thế rồi em/ Bao mùa vàng rực nắng/ Đợi anh mặc hoa trôi/ Đợi anh trong khắc khoải/ Thư đi không trả lời” (ca khúc Mùa hoa cải của Lê Vinh). Những người mẹ mòn mỏi chờ con không trở về: “Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con/ Lần lượt ra đi, đi mãi mãi...” (Người mẹ của tôi của nhạc sĩ Xuân Hồng). Hay người mẹ chờ được đến ngày chồng trở về, nhưng “Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/ Và những vết thương trên ngực cha/ Cứ trở gió lại đau nhức nhối...” (Mẹ - thơ Đoàn Ngọc Thu, nhạc Phan Long)...
Tất cả thành bất tử
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những giai điệu, lời ca ấy lại có sức truyền cảm mạnh mẽ đến vậy. Thứ rất quan trọng để tạo nên một tác phẩm mang lại sự rung động cho mọi người là câu chuyện ẩn chứa thông điệp được kể và tài năng của người kể. Bên những câu chuyện về nỗi đau, sự mất mát, ở góc độ nào đó, thông qua các ca khúc này, chúng ta có thể cảm nhận được một sức sống mới. Cỏ vẫn lên xanh ở những nơi từng hứng mưa bom lửa đạn; những người thương binh trở về “tàn nhưng không phế”, họ hòa nhập cộng đồng và góp sức mình cho sự phát triển của đất nước; đồng thời những thế hệ hôm nay và mai sau vẫn luôn biết ơn những người đã hiến dâng đời mình cho đất nước.
Những anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh và cả những người mẹ, người vợ... ấy, họ xứng đáng là những anh hùng của dân tộc, là anh hùng của thời đại mà chúng ta đang sống. Họ chính là hiện thân cho sức mạnh và sự trường tồn của dân tộc, của đất nước Việt Nam thân yêu. Họ đã và mãi xứng đáng được sống trong tâm khảm của mỗi chúng ta, trong tâm tưởng và qua những lời ca. Những lời ca của ngày hôm qua cho hôm nay và mai sau được bình yên.