Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp “hậu” Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 19:16, 23/07/2020

(HNMO) - Thời gian gần đây, khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19 thì hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng nóng trở lại.

Quang cảnh buổi họp báo.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết như vậy tại họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra chiều 23-7. 

6 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng cả nước phát hiện, xử lý hơn 75.260 vụ việc vi phạm, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 11.291 tỷ đồng, tăng 83%; khởi tố 1.128 vụ. Nhiều đường dây, ổ nhóm đã được triệt phá; nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu bị bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Điều đáng nói, hiện nay, khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại lại tiếp tục diễn biến phức tạp. Gần đây, khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19 thì hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng "nóng" trở lại, chủ yếu là hàng điện tử, điện lạnh cũ, thuốc lá ngoại, ma túy… Đặc biệt, hiện tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn từ Campuchia về Việt Nam gia tăng. 

Về tình hình buôn lậu tại tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum, Đà Nẵng… chủ yếu là mặt hàng rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng; sản phẩm của động vật hoang dã, quý hiếm và xuất lậu mặt hàng khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Lào. 

Tại thị trường nội địa, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch Covid-19...

Tại buổi họp báo, trả lời báo chí xung quanh vụ việc tổng kho hàng lậu 10.000m2 tại thành phố Lào Cai vừa được phát hiện, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Kỳ Minh cho biết, toàn bộ số hàng hóa trong kho sau khi kiểm đếm được chứa trong 34 container. Trong gần 160.000 đơn vị sản phẩm, phần lớn là hàng lậu, có khoảng hơn 6.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo. Nhiều loại hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các bên liên quan để thẩm định, đánh giá. Đây là lần đầu tiên Cục Quản lý thị trường Lào Cai dồn toàn lực lượng để ra quân khám xét kho chứa hàng, thuê thêm 70 nhân công để làm công tác kiểm đếm hàng hóa, mất 4 ngày để lực lượng chức năng hoàn tất việc khám xét lô hàng.

Về trách nhiệm để xảy ra tình trạng này, ông Nguyễn Kỳ Minh cho hay, trách nhiệm liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, hiện các lực lượng đang tiến hành điều tra để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan khác. 

Ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết 4 lý do các đối tượng lựa chọn Lào Cai là địa điểm đặt kho hàng lớn trên, đó là: Tỉnh Lào Cai có hệ thống giao thông thuận lợi như đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, hàng hóa dễ dàng lưu thông từ Lào Cai về Hà Nội và vận chuyển đi khắp các tỉnh trên cả nước; vị trí đặt kho hàng chỉ nằm cách cửa khẩu khoảng 2km, các đối tượng có thể dễ dàng tập kết hàng hóa; kho hàng trên nằm trên diện tích đất khoảng 3-4 ha; thuê kho với giá rẻ. Với việc thuê kho hơn 10.000m2 có giá khoảng 200 triệu đồng/tháng, các đối tượng đã tận dụng kinh doanh hàng hóa bằng cách phát hình ảnh trực tiếp trên nền tảng mạng internet (livestream)...

Hương Thủy