Tạo động lực mới

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:20, 25/07/2020

(HNM) - Việc bỏ “biên chế suốt đời” để thực hiện chế độ hợp đồng lao động có thời hạn đối với viên chức (trừ 3 trường hợp theo luật định) theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức kể từ ngày 1-7-2020 là một quyết định rất cần thiết nhằm chấn chỉnh tình trạng lười đổi mới, xóa bỏ tư tưởng vào được cơ quan nhà nước là "ấm chân" đến già. Việc này sẽ tạo động lực mới và mở ra cơ hội cho viên chức được tự do di chuyển trong thị trường lao động, có điều kiện phát huy hết khả năng, sở trường của mỗi người.

Tuy vậy, không phải ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thì chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ viên chức sẽ thay đổi ngay lập tức, bởi vẫn còn đó 3 đối tượng (khoảng 2,5 triệu người) không thuộc diện điều chỉnh của luật. Luật cũng dành cho người đứng đầu đơn vị có quyền đánh giá, nhận xét để quyết định ngưng hay tiếp tục hợp đồng với viên chức, từ đó gây băn khoăn việc đánh giá sẽ có sự thiên vị, thậm chí tiêu cực. Nghi ngại này không phải là không có cơ sở.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc đánh giá xếp loại viên chức nói riêng và công chức, người lao động trong cơ quan chính quyền các cấp được coi như là “đến hẹn lại lên”, chưa bảo đảm khách quan. Bởi, nếu có đánh giá nghiêm túc lại sợ “đụng chạm” hoặc ảnh hưởng đến kết quả thi đua của đơn vị… Điều đó đòi hỏi cần có “hàng rào” đánh giá khách quan cho nội dung này khi thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Điểm đáng mừng là với thành phố Hà Nội, Thành ủy đã ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 về “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Qua hơn 2 năm thực hiện, việc đánh giá viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã đi vào nền nếp, góp phần loại bỏ dần tính hình thức. Tuy vậy, để có thể thực hiện tốt hơn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, ngoài Quyết định số 3814-QĐ/TU, các cơ quan, đơn vị cần làm tốt một số công việc sau.

Trước hết, trách nhiệm đánh giá viên chức thuộc về trưởng các phòng, ban - những người thay mặt thủ trưởng đơn vị quản lý và “chấm điểm” viên chức dưới quyền. Để bảo đảm việc đánh giá công tâm, khách quan đòi hỏi phải gắn trách nhiệm, hiệu quả công việc tới từng cá nhân theo hướng “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả).

Để đánh giá "đúng người, đúng việc" đòi hỏi phải vận hành quản lý bộ máy theo đúng vị trí việc làm đã được phê duyệt và thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, phải xây dựng được các thang bảng, tiêu chí đánh giá thi đua sát với thực tế công việc để dễ áp dụng, cơ bản tạo sự công bằng, đồng thuận trong đơn vị khi “chấm điểm” hằng tháng, hằng năm. Kiên quyết gắn việc đánh giá viên chức qua xếp loại thi đua với thu nhập được hưởng tương xứng…

Với bản thân mỗi viên chức, dù là thuộc diện “viên chức suốt đời” hay viên chức mới tuyển dụng thì việc cần làm là xác định rõ nhiệm vụ của mình trong bộ máy cơ quan, đơn vị để hoàn thành tốt chức trách được giao. Đặc biệt, phải không ngừng học tập, rèn luyện trình độ chuyên môn cũng như lý luận chính trị để ngày càng hoàn thiện bản thân, trở thành viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”.

Đỗ Quỳnh Chi