Cấp bách cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí

Công nghệ - Ngày đăng : 06:47, 25/07/2020

(HNM) - Trước tình trạng ô nhiễm không khí đang ở ngưỡng báo động, đặc biệt tại các đô thị lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến tháng 8-2020 sẽ ban hành. Dư luận kỳ vọng, chỉ thị ra đời sẽ thúc đẩy các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn tăng cường kiểm soát, có các giải pháp cấp bách nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí. Báo Hànộimới trích đăng một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội:
Nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có ý kiến đóng góp gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Việt Nam.

Theo đó, thành phố Hà Nội đề xuất, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung, tăng cường số lượng các trạm quan trắc môi trường không khí tự động để cung cấp thông tin kịp thời về chất lượng không khí; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường đô thị. Đặc biệt, chính quyền các đô thị cần triển khai giải pháp như: Kiểm kê, đánh giá các nguồn thải để có hướng giải quyết phù hợp; nghiên cứu, đề xuất phương án hạn chế phương tiện giao thông; trồng nhiều cây xanh… Song song với đó là phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền, đưa các thông tin chính thống về chỉ số chất lượng không khí (AQI) đến cộng đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Cầu Diễn (URENCO 7):
Các giải pháp trong dự thảo chỉ thị là rất cần thiết

Theo quy định, khi xây dựng các công trình lớn trên địa bàn thành phố, chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm việc thu dọn phế thải xây dựng; quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng không được gây phát thải nguồn bụi ra môi trường xung quanh. Nhưng trên thực tế, nhiều chủ đầu tư trước khi thực hiện dự án chỉ nộp báo cáo, kế hoạch bảo vệ môi trường “lấy lệ”. Quá trình thi công, chủ đầu tư ký kết hợp đồng vận chuyển, thu gom phế thải xây dựng với những nhà thầu không đủ năng lực để tiết kiệm chi phí, không thường xuyên kiểm tra, giám sát. Hậu quả, nhiều nhà thầu sau khi chuyển phế thải khỏi chân công trình đã không che chắn thùng xe cẩn thận, không thực hiện việc phun nước rửa bánh xe trước khi vào, ra công trình…

Vì vậy, dự thảo Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị Việt Nam yêu cầu, các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; thường xuyên phải phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính, đặc biệt khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán… là rất cần thiết.

Thiếu tá Lưu Quang Trung, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội):
Quan tâm đúng mức việc kiểm soát, ngăn chặn nguồn ô nhiễm

Hiện nay, ngoài khoảng 7 triệu xe máy, 800.000 xe ô tô, trung bình mỗi tháng lượng xe máy, ô tô đăng ký mới của Hà Nội tăng thêm hàng chục nghìn chiếc. Thêm vào đó, một lượng lớn phương tiện từ các tỉnh lân cận vận chuyển hàng hóa về Thủ đô. Đây là nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí.

Do đó, theo tôi trong Chỉ thị, việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, giải quyết tận gốc ô nhiễm không khí cần phải được quan tâm đúng mức để kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm. Cụ thể hơn là cần yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, tiến tới thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ điều kiện lưu hành; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân...

Ông Cấn Văn Trung, thôn Hương Tảo, xã Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ):
Cần phạt nặng các hành vi gây ô nhiễm môi trường

Ngoài những nguyên nhân như: Nguồn bụi từ các công trường xây dựng; lượng phương tiện cá nhân tăng quá nhanh; khí thải từ các nhà máy, khu vực sản xuất… thì thói quen sinh hoạt tùy tiện của chính người dân cũng góp phần khiến ô nhiễm không khí thêm trầm trọng. Rất nhiều hộ dân, đặc biệt người sống tại khu vực ngoại thành vẫn duy trì thói quen vứt rác sinh hoạt bừa bãi. Tuy đã giảm hơn 2/3 số người dùng, song vẫn còn nhiều hộ gia đình đến nay vẫn sử dụng bếp than tổ ong, phát thải ra môi trường khí CO2, đây chính là nguồn gây ô nhiễm không khí không nhỏ. Mặt khác, sau mỗi vụ mùa, nhiều hộ dân vẫn đốt rơm, rạ… ngay trên cánh đồng… Do đó, trong chỉ thị cần có chế tài xử phạt nặng đối với các vi phạm nêu trên, để mỗi người dân tự nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ môi trường sống.

Nhóm phóng viên