Chuẩn hóa sản phẩm làng nghề để thu hút du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 08:43, 25/07/2020

(HNMCT) - Để có những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Thủ đô, cần có sự chuẩn hóa sản phẩm làng nghề bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã trao đổi với ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội về vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng du lịch làng nghề của Thủ đô Hà Nội?

- Hà Nội sở hữu các nghề truyền thống đa dạng nhất cả nước, với tổng số 47/52 nghề, 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế - xã hội, du lịch làng nghề còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của làng nghề truyền thống. Trên địa bàn Thủ đô hiện có nhiều nghề thủ công được phát triển khá mạnh khi gắn với phát triển du lịch, đem lại nguồn thu nhập tốt cho cộng đồng dân cư như gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm); dệt lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ (Hà Đông); sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (Thường Tín); điêu khắc gỗ Sơn Đồng (Hoài Đức)...

- Với tiềm năng như vậy, Sở Du lịch Hà Nội và các ngành liên quan đã phối hợp phát triển sản phẩm làng nghề, phục vụ du lịch ra sao?

- Từ năm 2013, Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định danh mục 17 làng nghề truyền thống phát triển gắn với du lịch. Năm 2017, Thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc tỷ lệ 1/500. Thành phố và các địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, nước, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở; tổ chức gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi; hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, xử lý ô nhiễm môi trường...

Công tác phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống được các ngành chú trọng, điển hình như ngành Công Thương tổ chức phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội; hỗ trợ 30 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm với 186 mẫu mới được tạo ra, trong đó có 46 mẫu sản phẩm phục vụ du lịch; hằng năm tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội, mỗi năm tạo ra trên 200 mẫu sản phẩm mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ... 

Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Theo số liệu tổng hợp của các huyện, thị xã, Hà Nội có 15 nhóm ngành hàng dịch vụ du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Sở cũng thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình, tour giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội. Nhiều cơ sở mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch đã được Sở Du lịch công nhận, tiêu biểu như: Hanoia, Tân Mỹ Design, cơ sở lụa Triệu Văn Mão, Phúc Hưng, Lan Sơn Silk...

- Như vậy thì cái “gốc” để chuyên nghiệp hóa sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chính là nguồn nhân lực làng nghề, thưa ông?

- Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư, từ năm 2016 đến nay Sở Du lịch đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các cơ sở đào tạo tổ chức 33 lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho hơn 5.000 nghệ nhân, người dân tại một số địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch như xã Cổ Đô, Vân Hòa (huyện Ba Vì), phường Quảng An (quận Tây Hồ), xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất), xã Vân Từ, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên)... Nội dung đào tạo tập trung vào những vấn đề tâm lý khách du lịch; kỹ năng phục vụ, giao tiếp, giới thiệu sản phẩm và kỹ năng xây dựng, kết nối sản phẩm du lịch tại địa phương.

- Bên cạnh lợi thế, việc phát triển sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch hẳn là cũng có không ít khó khăn?

- Hà Nội có nhiều làng nghề nhưng việc phát triển các sản phẩm chủ lực góp phần tạo ra giá trị gia tăng còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao. Tỷ lệ khách đến các làng nghề so với lượng khách du lịch đến Hà Nội còn rất thấp. Doanh thu chủ yếu vẫn từ các sản phẩm thủ công. Chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ khác không nhiều. Trong 17 làng nghề gắn với du lịch, mới có 2 làng nghề thu hút tốt du khách là làng gốm sứ Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc, tuy nhiên vẫn cần đẩy nhanh tiến độ lập và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch để trở thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó là những hạn chế về nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở hạ tầng, công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối doanh nghiệp lữ hành...

- Công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm làng nghề được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã thực hiện tuyên truyền, quảng bá và tạo các sản phẩm đặc trưng như: Quận Hà Đông in cuốn Cẩm nang Du lịch Hà Đông, xây dựng website quảng bá làng nghề dệt lụa Vạn Phúc bằng nhiều ngôn ngữ. Quận Ba Đình in Cẩm nang Du lịch quận Ba Đình, phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống bánh cốm Hàng Than và nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã. Huyện Mê Linh thực hiện 4 phim ngắn giới thiệu về Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng gắn với làng nghề trồng hoa truyền thống xã Mê Linh... Sở Du lịch Hà Nội đã giới thiệu thông tin một số làng nghề thuộc huyện Gia Lâm, Thường Tín, Thạch Thất, Quốc Oai bằng công nghệ ảnh 360o trên cổng thông tin của Sở tại địa chỉ sodulich.hanoi.gov.vn.

Từ cuối năm 2016, Sở Du lịch phối hợp với chuyên gia trong nước và quốc tế chủ trì triển khai thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội, trong đó nghiên cứu xây dựng nhận diện thương hiệu du lịch làng nghề Hà Nội và nhận diện thương hiệu du lịch cho làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, đồng thời lựa chọn thiết kế một số sản phẩm lưu niệm đặc trưng của 2 làng nghề. Đến nay Sở đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND Thành phố phê duyệt.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đã tập trung tiến hành chuẩn hóa bài thuyết minh các điểm đến du lịch, đặc biệt là các địa danh gắn với các làng nghề tiêu biểu của Hà Nội; đồng thời biên tập và số hóa bài thuyết minh đã được chuẩn hóa bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp để đăng tải trên website của Sở cũng như các phương tiện truyền thông khác.

Với những giải pháp đồng bộ như vậy, tôi tin rằng sản phẩm du lịch làng nghề Hà Nội sẽ ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu cho du lịch Thủ đô trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Khánh