Kinh tế Hàn Quốc suy thoái: Hệ quả của đại dịch Covid-19
Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 25/07/2020
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) vừa thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này đã giảm 3,3% trong quý II-2020 so với quý trước đó. Cùng với mức giảm 1,3% của quý đầu năm, đây là lần đầu tiên kinh tế Hàn Quốc sụt giảm hai quý liên tiếp kể từ năm 2003 và cũng là mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 1998.
Trên thực tế, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đã có dấu hiệu chậm lại từ cuối năm 2017 trong bối cảnh các điều kiện thương mại ngày càng xấu đi, giá các sản phẩm bán dẫn giảm, nhiều bất trắc phát sinh từ chính sách kinh tế và các yếu tố địa chính trị của các nước lớn… Dịch Covid-19 lan rộng toàn thế giới tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống càng đẩy nhanh tốc độ đi xuống của nền kinh tế xứ Kim chi khi quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm tới 16,6% trong quý II vừa qua, mức giảm sâu nhất kể từ năm 1963; nhập khẩu cũng bị thu hẹp 7,4%.
Thêm vào đó, các lệnh hạn chế đi lại, phong tỏa chưa từng có ở hầu khắp các quốc gia nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan đã làm ngành Du lịch tê liệt, đồng thời cản trở hoạt động sản xuất và xuất khẩu ở nước ngoài của các công ty Hàn Quốc, khiến dòng vốn đổ về bị “bóp nghẹt”. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng GDP của Hàn Quốc sẽ giảm ít nhất 0,4% trong năm 2020, thậm chí là tới 2,1% theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu điều này là hiện thực, 2020 sẽ là năm đầu tiên nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái kể từ năm 1998.
Theo các chuyên gia, tiến trình phục hồi kinh tế của Hàn Quốc gặp nhiều rào cản, trong đó có các yếu tố cố hữu như dân số già hóa nhanh, mất cân bằng cơ cấu kinh tế, năng suất lao động tăng chậm… Đặc biệt, kế hoạch tăng thuế bất động sản và thuế doanh thu để ngăn giá nhà tăng cao mà chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang dự kiến triển khai cũng được cho sẽ có tác động đáng kể. Khi được thực hiện, giá bất động sản sẽ thấp đi khiến dòng tiền đổ vào thị trường này tăng lên thay vì tập trung cho lĩnh vực sản xuất, thu hút đầu tư, nhất là trong điều kiện BoK đã liên tiếp giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia hoạch định chính sách vẫn tin rằng Hàn Quốc có thể phục hồi nhanh hơn một số nước trong khu vực. Nỗ lực này đang gặp thuận lợi khi chỉ số tiêu dùng trong quý II đã tăng 1,4% nhờ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ. Cho đến nay, Seoul đã chi 277.000 tỷ won (khoảng 231 tỷ USD), tương đương 10% GDP, để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia đối tác của Hàn Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty Hàn Quốc dần khôi phục. Nhiều lĩnh vực mà xứ Kim chi đã đầu tư, thúc đẩy làm động lực tăng trưởng như dữ liệu lớn, các dịch vụ mạng thế hệ 5G, nhà máy thông minh, y sinh học, trí tuệ nhân tạo… đều có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki tỏ ra lạc quan và tin tưởng vào khả năng hồi phục của nền kinh tế nước này sẽ tăng tốc trong thời gian tới khi Chính phủ tiến hành nhiều biện pháp thúc đẩy đà tăng trưởng. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi kinh tế Hàn Quốc là một trong những mắt xích trọng yếu và có ảnh hưởng lớn tới kinh tế khu vực và toàn cầu.