Đại hội Hội Nhà báo TP Hà Nội lần thứ VII: Tự hào và mong muốn được đóng góp
Chính trị - Ngày đăng : 10:10, 25/07/2020
Nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội khóa VI:
Đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới
Trong nhiệm kỳ qua, báo chí Thủ đô đã làm tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân Thủ đô, tham gia tích cực vào việc tuyên truyền Đại hội Đảng lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI. Báo chí Thủ đô đã nêu bật được những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô, tham gia mạnh mẽ đấu tranh chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở Thủ đô.
Nhiệm kỳ tới, Hội Nhà báo thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TƯ của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; động viên hội viên các cơ quan báo chí thực hiện tốt Quyết định số 18/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các hội viên khi tác nghiệp; duy trì và tổ chức các giải báo chí hằng năm của thành phố, như: Giải báo chí Ngô Tất Tố, Giải báo chí viết về gương người tốt, việc tốt; đẩy mạnh các hoạt động phong trào xã hội, từ thiện…
Nhà báo Lê Xuân Hội, Trưởng ban Liên lạc các nhà báo cao tuổi Hà Nội:
Nhà báo lão thành luôn sát sao các vấn đề của Thủ đô
Ban Liên lạc các nhà báo cao tuổi Hà Nội có 200 hội viên. Những năm qua, Ban Liên lạc tham gia nhiều hoạt động báo chí của thành phố Hà Nội, như: Tham dự Giải báo chí Ngô Tất Tố, Giải báo chí viết về “Người tốt, việc tốt” và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của Hội…
Rất nhiều nhà báo trong Ban Liên lạc hiện vẫn đóng góp tích cực trong các hoạt động báo chí, thường xuyên viết bài, cộng tác viên cho các báo của Thủ đô ở nhiều lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội, văn hóa... Trong đó, có nhiều bài viết cho thấy sự sát sao của các nhà báo lão thành với các vấn đề của Hà Nội.
Trong những năm qua, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã làm tốt vai trò dẫn dắt, tập hợp hội viên. Tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ tới, Hội tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để những người làm báo cao tuổi có thể cùng tham gia, đóng góp xây dựng Hội ngày càng vững mạnh hơn.
Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô:
Mạng xã hội đặt ra thách thức để báo chí vươn lên
Mạng xã hội mang đến những thách thức lớn cho báo chí. Tuy nhiên, không nên nhìn nhận những thách thức này ở góc độ tiêu cực. Trái lại, đây còn là cơ hội để báo chí khẳng định sứ mệnh của mình với tư cách là phương tiện truyền thông đại chúng được đầu tư để làm thông tin chuyên nghiệp và có khả năng dẫn dắt, định hướng dư luận.
Chẳng hạn, tin giả trên mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu, không chỉ công chúng, ngay chính báo chí cũng có thể trở thành nạn nhân khi bị cuốn theo guồng quay tin giả của mạng xã hội. Thế nên, phân biệt tin thật, tin giả không chỉ là kỹ năng sống còn, mà còn khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp của người làm báo.
Không chỉ tung tin giả, mạng xã hội còn chiếm ưu thế về tốc độ, tính trực tiếp, khả năng tương tác... Báo chí không còn cách nào khác là phải tự vươn lên để thu hẹp khoảng cách cũng như phát huy thế mạnh sẵn có, chủ động xây dựng chiến lược và các chiến dịch thông tin trên cơ sở phán đoán được những vấn đề mà công chúng quan tâm, để đáp ứng toàn diện các nhu cầu đó, tránh trạng thái bị động, chạy theo những thông tin mà công chúng đang bàn tán. Mạng xã hội đặt ra những thách thức cho báo chí, nhưng đó là thách thức để báo chí phải trưởng thành lên.
Nhà báo Đinh Tuấn Anh, Liên Chi hội Nhà báo Báo Hànộimới:
Hướng tới báo chí chất lượng cao
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các loại hình truyền thông xã hội đang có những bước nhảy vọt, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí đều phải đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng, nếu không muốn bị tụt hậu.
Đối với Báo Hànộimới, thời gian qua, đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ, giành được nhiều giải thưởng, như: Giải C, Giải báo chí quốc gia năm 2018, 2019; giải C, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (giải Búa Liềm Vàng) năm 2019; 3 giải Nhất, Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội và Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2018, 2019; nhiều giải cao tại Giải báo chí Ngô Tất Tố do Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tổ chức... Điều đáng nói, đa số các tác phẩm báo chí đoạt giải được thực hiện bằng công nghệ báo chí hiện đại, đa phương tiện.
Để đạt được kết quả này, Ban Biên tập Báo Hànộimới luôn chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; xây dựng các quy trình tác nghiệp, môi trường làm việc tạo cảm hứng để cán bộ, phóng viên trong báo rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp. Đây chính là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng thông tin, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, góp sức xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nhà báo Trần Thị Thanh Thùy, Liên Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội:
Góp phần thúc đẩy hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội
Đẩy mạnh truyền thông xây dựng văn hóa ứng xử là một trong những nhiệm vụ được Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội thực hiện đồng bộ và xuyên suốt, với nhiều loại hình báo chí được khai thác, nhiều chuyên mục được duy trì, đã và đang cùng với người làm báo Thủ đô góp phần khơi dậy, lan tỏa những sáng kiến hay, việc làm tốt trong gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, bồi đắp chuẩn mực ứng xử trong xã hội hiện đại.
Những kết quả trong công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thời gian qua là động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền, khai thác sức mạnh của báo chí, truyền thông trong việc phát hiện tuyên dương những điển hình; lên án những hành vi đi ngược lại nỗ lực củng cố văn hóa ứng xử trong cộng đồng, gìn giữ Hà Nội xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước và bạn bè quốc tế.
Nhà báo Trọng Tùng, Chi hội Nhà báo Báo Kinh tế và Đô thị:
Mong muốn có nhiều chuyến đi thực tế hơn
Tôi rất tự hào là phóng viên trẻ được tham dự đại hội lần này - một sự kiện quan trọng của những người làm báo Thủ đô. Với sự phát triển của công nghệ cũng như đòi hỏi của báo chí hiện đại, việc áp dụng các kỹ năng làm báo hiện đại đang là vấn đề được chúng tôi rất quan tâm. Trong nhiệm kỳ qua, chúng tôi đã được tham gia những lớp tập huấn của Hội cũng như các chuyến đi công tác thực tế. Qua các lớp tập huấn này, chúng tôi đã vận dụng nhiều kỹ năng làm báo hiện đại để tác nghiệp, như: Sử dụng đồ họa, thực hiện nhiều ảnh trong bài viết, xây dựng các tác phẩm báo chí theo dạng đa phương tiện, như: Longform, Megastory…
Tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ tới, Hội Nhà báo thành phố tiếp tục tổ chức nhiều chuyến đi thực tế hơn tới những vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo để những phóng viên trẻ được cọ xát, tác nghiệp, nâng cao hơn sự hiểu biết cũng như kỹ năng tác nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Thu Phương, Chi hội Nhà báo Báo Tuổi trẻ Thủ đô:
Không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng
Trong những năm qua, các thế hệ người làm báo của Báo Tuổi trẻ Thủ đô luôn nhiệt tình, tâm huyết với lĩnh vực được giao; bám sát định hướng, tôn chỉ, mục đích; không ngừng đổi mới cả nội dung và hình thức, trở thành ấn phẩm ngày càng hấp dẫn trong lòng bạn đọc.
Để nâng cao chất lượng các ấn phẩm, Ban Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Tuổi trẻ Thủ đô luôn quan tâm tổ chức các buổi sinh hoạt nghiệp vụ, đào tạo chuyên môn; tích cực triển khai các phong trào: Thi đua viết tin hay - bài tốt, nhặt lỗi, rút kinh nghiệm các số báo hằng ngày, hằng tuần...; chủ động mở nhiều chuyên trang, chuyên mục mới trên báo giấy và báo điện tử, như: Theo dòng thời sự; Tuổi trẻ sống đẹp; Người tiên phong... Báo Tuổi trẻ Thủ đô xác định, đổi mới không ngừng để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.
Nhà báo Đỗ Ngọc Quang, Chi hội Nhà báo Văn phòng đại diện Cơ quan thường trú tại Hà Nội:
Triển khai nhiều hoạt động đóng góp cho Thủ đô
Kể từ khi thành lập vào đầu năm 2019 đến nay, Chi hội Nhà báo Văn phòng đại diện Cơ quan thường trú tại Hà Nội đã tham gia nhiều hoạt động mà Hội Nhà báo thành phố Hà Nội triển khai, như: Tham gia các lớp tập huấn viết về chủ đề “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Hội khỏe Hội Nhà báo thành phố Hà Nội… Chi hội Nhà báo Văn phòng đại diện Cơ quan thường trú tại Hà Nội luôn tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, đưa tin các sự kiện, hoạt động của Thủ đô Hà Nội, coi đây là một trong những mảng thông tin không thể thiếu, giúp bạn đọc cả nước nắm bắt đầy đủ các hoạt động của Thủ đô cũng như đất nước.
Trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi mong muốn Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tăng cường hơn nữa những hoạt động nghiệp vụ, các lớp tập huấn chuyên sâu mang tính chuyên đề về các vấn đề của Hà Nội để Chi hội Nhà báo Văn phòng đại diện Cơ quan thường trú tại Hà Nội có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các thông tin trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhà báo Võ Hoàng Giang, Chi hội Nhà báo Báo Lao động Thủ đô:
Nâng cao văn hóa ứng xử của người làm báo Thủ đô
Từ khi Thủ đô triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, Báo Lao động Thủ đô đã khẩn trương phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, trong đó đề cao vai trò gương mẫu, vận động, giám sát, nhắc nhở kết hợp phê bình và tự phê bình.
Với tư cách là người truyền tin, định hướng, dẫn dắt dư luận hướng đến những giá trị tiến bộ, văn minh, bản thân mỗi nhà báo, phóng viên cần có những chuẩn mực. Là người làm báo Thủ đô, càng phải trân trọng, giữ gìn những giá trị, cốt cách, vốn là thương hiệu của người Hà Nội. Tuy nhiên, có một thực tế, nhà báo, phóng viên thường là những người có cái tôi lớn, cá tính mạnh, sắc sảo, nên khi sống trong tập thể khó tránh khỏi những xung đột khi bất đồng quan điểm. Với những trường hợp như vậy, Ban Biên tập Báo Lao động Thủ đô đều có cách nhắc nhở phù hơp, để họ tự điều chỉnh, giúp công việc trôi chảy, mà vẫn giữ được tình cảm tốt đẹp trong nhau. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, việc góp ý một cách chân thành, mang tính xây dựng giúp điều chỉnh ứng xử giữa các cán bộ, phóng viên trong cơ quan là cần thiết và rất đáng trân trọng, hướng tới mục đích cuối cùng là đoàn kết xây dựng tập thể phát triển bền vững.
Nhà báo Nguyễn Tuyết Mai, Chi hội Nhà báo Báo Pháp luật và Xã hội:
Mong sớm ổn định sinh hoạt Hội sau khi thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí
Nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tổ chức rất nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, thu hút sự tham gia của nhiều hội viên, trong đó có Báo Pháp luật và Xã hội. Chúng tôi đánh giá cao những lớp tập huấn nghiệp vụ này, đã giúp ích rất nhiều cho hoạt động tác nghiệp của phóng viên.
Một trong những hoạt động thiết thực của Hội Nhà báo thành phố thực hiện trong thời gian qua là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi báo chí bị cạnh tranh bởi các thông tin trên mạng xã hội và trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời nhiều đơn vị phải sắp xếp, quy hoạch theo đề án quy hoạch báo chí.
Trong thời gian tới, quy hoạch, sắp xếp báo chí sẽ có những cơ quan báo chí chuyển đổi loại hình, có cơ quan sáp nhập… Chúng tôi hy vọng rằng, nhiệm kỳ tới, Hội cũng nhanh chóng có hướng dẫn, hỗ trợ để tạo điều kiện cho các hội viên ổn định sinh hoạt tại các Liên Chi hội và Chi hội.
Nhà báo Hồ Thủy Tiên, Chi hội Nhà báo Báo Kinh tế và Đô thị:
Bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các hội viên
Là phóng viên trẻ nhất được tham dự Đại hội Hội Nhà báo thành phố Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Nhiệm kỳ vừa qua, Hội có rất nhiều hoạt động thiết thực trong việc dẫn dắt, tạo điều kiện cho các hội viên, nhất là những phóng viên trẻ trong các hoạt động chuyên môn cũng như các hoạt động xã hội, từ thiện. Tôi thấy thú vị nhất là được tham gia vào những lớp tập huấn chính trị cũng như những lớp tập huấn về kỹ năng làm báo hiện đại, cách thức thực hiện những tác phẩm báo chí đa phương tiện mà Hội tổ chức. Đây là những lớp tập huấn rất thiết thực, phù hợp với xu hướng báo chí thế giới mà các cơ quan báo chí Thủ đô đang hướng tới.
Tác phong làm báo hiện đại cũng đòi hỏi phóng viên phải dấn thân hơn khi tác nghiệp, điều này có thể khiến phóng viên gặp nhiều rủi ro. Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh việc có thêm nhiều hoạt động, lớp bồi dưỡng phong phú hơn, Hội sẽ tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các hội viên, giúp hội viên yên tâm hơn khi tác nghiệp trong những hoàn cảnh, điều kiện khó khăn.