Bài cuối: Lợi ích song hành
Công nghệ - Ngày đăng : 06:35, 26/07/2020
Đòi hỏi cấp thiết
Mỗi ngày, Hà Nội có khoảng 6.500-7.000 tấn rác được mang đi chôn lấp. Trong đó, Khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tiếp nhận trung bình 4.887tấn/ngày, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây) là 1.066 tấn/ngày... Theo tính toán, các khu xử lý rác Nam Sơn, Xuân Sơn chỉ có thể tiếp nhận rác đến hết năm 2020. Điều này đòi hỏi sự cấp thiết phải tính toán phương án phân loại rác tại nguồn.
Theo ông Dương Mạnh Lương, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (URENCO) - chi nhánh Hoàn Kiếm, lượng rác thải trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng trung bình gần 10%/năm. Khi lượng rác phát sinh lớn và chưa được phân loại sẽ tốn quỹ đất chôn lấp, tốn ngân sách chi cho công tác xử lý. "Bởi vậy, việc phân loại rác tại nguồn là rất cần thiết", ông Lương nói.
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết: "Khi rác được phân loại, rác hữu cơ sẽ sản xuất thành phân bón cho cây trồng. Qua đó cũng hạn chế việc phát sinh ra nước rỉ rác. Đối với rác là bìa, giấy, kim loại... có thể tái chế quay vòng sử dụng. Chỉ một phần không tái chế hay sản xuất thành phân bón sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt và thu nhiệt để biến thành điện năng", ông Thái nói.
Thực tế, theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc URENCO, việc phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai ở Hà Nội (giai đoạn 2006-2009) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Theo đó, người dân được hướng dẫn phân rác thải thành 3 loại: Rác hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế. Khi đề án kết thúc tại 4 phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ, người dân nơi đây bày tỏ mong muốn, đề xuất thành phố tiếp tục thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn và thực hiện đồng bộ trên toàn thành phố.
Vận động tạo thói quen
Trước những đề xuất này, ngày 30-6-2020, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng phương án “Quản lý, phân loại và thu gom rác thải tại nguồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm Trương Minh Hải cho biết, từ tháng 7-2020, phương án phân loại rác thải được triển khai tại 18/18 phường với 2 nhóm cơ bản: Rác tái chế và rác còn lại. Rác tái chế được phân loại lưu trữ riêng để có thể bàn giao cho đội thu mua; rác còn lại là rác thải sinh hoạt sau khi đã thực hiện phân loại rác tái chế. Các hộ dân bỏ rác tái chế và rác còn lại vào hai túi riêng biệt cho công nhân môi trường thu theo giờ quy định. Người dân có thể liên hệ với người thu gom rác tái chế, đặt lịch đến thu tại nhà vào 2 ngày cuối tuần. Giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2021-2025, thực hiện phân loại rác tại nguồn đáp ứng yêu cầu của công nghệ xử lý rác được áp dụng và các quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường.
Còn tại quận Thanh Xuân, ông Hoàng Trung Thành, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận cho biết, UBND quận yêu cầu các đơn vị giám sát toàn diện các loại chất thải, phế thải, rác thải trên địa bàn các phường, vận động các hộ gia đình, kinh doanh, trường học, bệnh viện… thực hiện thu mua rác tái chế với đơn vị đang thực hiện công tác thu gom.
Đáng chú ý, cuối tháng 6 vừa qua, Công ty Unilever Việt Nam và URENCO cũng ký kết thỏa thuận phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội, giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, với những loại rác thải nhựa có giá trị cao sẽ được tái chế thành bao bì sản phẩm; loại có giá trị thấp hoặc không có giá trị sẽ được xử lý, tái chế thành các sản phẩm khác phục vụ cho đời sống hoặc nhiên liệu đầu vào trong quy trình sản xuất tại các nhà máy công nghiệp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố với Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, hai bên đã thống nhất một số nội dung, trong đó với việc phân loại rác thải, thành phố giao Sở Xây dựng lập đề án phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố, hoàn thành trong giai đoạn 2020-2025.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, cần phải xem "rác là nguồn tài nguyên" để tái sử dụng thành sản phẩm có ích phục vụ xã hội. Hiện nay, các địa phương, tổ chức đã bắt tay vào thực hiện công cuộc vận động tạo thói quen cho người dân về việc phân loại rác tại nguồn, bước đầu có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần quyết tâm cao cùng lộ trình và thời gian cụ thể.