Bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 07:02, 26/07/2020

(HNM) - 60 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân". Năm 2020, kỷ niệm 60 năm thành lập là dịp để toàn ngành nhìn lại quá trình xây dựng, phát triển, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, từ đó hoàn thành những nhiệm vụ mới, thiết thực đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Những chặng đường vẻ vang

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15-7-1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Chặng đường vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân mở ra từ đây, là một bước tiến mới trong việc bảo đảm thực hiện chế độ pháp chế thống nhất trong lịch sử nhà nước ta.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quốc hội, sự phối hợp của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Việc Quốc hội quyết định giao cho Viện Kiểm sát nhân dân tiếp tục đảm nhận hai chức năng hiến định - thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp - chính là sự ghi nhận những thành tựu quan trọng mà ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong 60 năm qua; phù hợp với đặc điểm hệ thống chính trị, nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước ta và xu hướng vận động, phát triển của thiết chế kiểm sát, công tố trên thế giới. Trên cơ sở đó, toàn ngành đã nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm. Những kết quả công tác của ngành đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Quá trình xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân xác định công tác cán bộ là cơ sở, nền tảng, là khâu đột phá để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Chính vì vậy, thời gian qua toàn ngành đã tập trung kiện toàn, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ lãnh đạo viện kiểm sát các cấp; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên tất cả các khâu, lĩnh vực công tác; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ...

Bám sát nhiệm vụ chính trị của cách mạng

Ngay từ những năm đầu khi mới được thành lập, ngành Kiểm sát nhân dân đã xác định công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị. Viện Kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ khác nhau đều dựa trên các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và căn cứ vào quy định của pháp luật để đề ra các nhiệm vụ trọng tâm công tác, gắn nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. 

Để xứng đáng với truyền thống “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân" như phương châm chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành, diễn ra ngày 24-7 vừa qua, ngành Kiểm sát nhân dân xác định phải nắm vững và thường xuyên quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ định hướng đó, ngành Kiểm sát đã xác định những việc làm cụ thể cần thực hiện hiệu quả. Theo đó, trước hết là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, ngành phải không ngừng đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác kiểm sát; thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, bám sát lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất người cán bộ kiểm sát là “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Ngoài ra, trong xu hướng hội nhập, ngành cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự giữa Viện Kiểm sát nhân dân Việt Nam với viện kiểm sát, viện công tố các nước trong khu vực và trên thế giới…

Trải qua chặng đường lịch sử 60 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành. Truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển chính là điểm tựa để ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; xây dựng một nền công tố mạnh, thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực hội nhập, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thành Tâm