Đại dịch Covid-19: Kéo lùi thành quả phát triển của nhân loại
Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 27/07/2020
Thông tin đáng báo động này vừa được đưa ra trong báo cáo năm 2020 về các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) do Vụ Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc công bố. Theo báo cáo, tỷ lệ người nghèo cùng cực trong năm 2020 được dự báo sẽ tăng 0,4% lên 29,7%, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1998. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số thế giới có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày có thể tăng từ 8,2% trong năm 2019 lên 8,8% trong năm nay, kéo theo khoảng 71 triệu người có nguy cơ rơi trở lại tình cảnh đói nghèo cùng cực khi dịch bệnh lây lan và trở thành nguyên nhân gây suy giảm kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 30 thế kỷ trước.
Đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp. Trong khi đó, ước tính 2 tỷ người trên toàn cầu cần tạo ra thu nhập hằng ngày để tồn tại. Phần lớn những người bị ảnh hưởng là các lao động dựa vào những hoạt động kinh tế không chính thức và thu nhập của họ ước tính giảm ít nhất 60% ngay từ tháng đầu tiên dịch bệnh bùng phát. Các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Nam Á, phần lớn tại quốc gia đông dân Ấn Độ, tiếp theo là khu vực châu Phi hạ Sahara, nơi 1/3 dân số có nguy cơ rơi vào cảnh cực kỳ nghèo khổ.
Trong khi thế giới vẫn đang nỗ lực để đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 như đã đặt ra trong SDG, thì chính đại dịch lần này đã kéo lùi những tiến bộ đạt được trong nhiều năm qua. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã từng bày tỏ lo ngại, dịch Covid-19 đang phơi bày và làm trầm trọng thêm các vấn đề bất bình đẳng và những bất công hiện nay. Phó Tổng Thư ký Thường trực Liên hợp quốc Amina Mohammed thậm chí cảnh báo rằng, thế giới khó lòng đạt được SDG trong 1 thập kỷ tới.
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi và các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch được dỡ bỏ, tác động tiêu cực sẽ giảm và tăng trưởng toàn cầu dự báo sẽ tăng trở lại mức 4,2% vào năm 2021. Tuy nhiên, hàng loạt rủi ro đang tấn công mạnh mẽ vào triển vọng này, trong đó có sự biến động tài chính, sự rút lui khỏi các mối liên kết thương mại và cung ứng toàn cầu cùng khả năng đại dịch kéo dài hơn.
Trên thực tế, năm 2020 đã đi qua hơn nửa chặng đường song số ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng lên chóng mặt. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thế giới đã ghi nhận 1 triệu ca nhiễm đầu tiên trong vòng 3 tháng, song chỉ cần 3 ngày để tăng từ 15 triệu lên 16 triệu ca nhiễm vào hôm 25-7, đồng thời tốc độ lây lan vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
Những biện pháp chưa từng có tiền lệ đã và đang được chính phủ các nước thực hiện để chống chọi với “cơn sóng thần” Covid-19, như các gói tài chính quy mô lớn kỷ lục, trợ cấp thất nghiệp, cứu nguy cho các lĩnh vực chịu cú sốc từ dịch bệnh, hỗ trợ đào tạo và định hướng việc làm cho người lao động… Trong đó, Liên hợp quốc nhận định việc triển khai các hệ thống bảo trợ xã hội giúp bảo đảm cuộc sống của người nghèo, người dễ bị tổn thương đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều đó sẽ tăng cường sức chống đỡ của cả cộng đồng trước sự nguy hiểm của dịch bệnh và cứu vãn những thành tựu phát triển, khi mà cuộc chiến trước mắt vẫn còn rất dài.