Dấu ấn một phần tư thế kỷ
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:31, 27/07/2020
Cùng với các sự kiện Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991, và chỉ nửa tháng trước đó, Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ (12-7-1995), việc trở thành thành viên trong ngôi nhà chung ASEAN là một dấu mốc chiến lược trong hội nhập quốc tế của Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua một phần tư thế kỷ, từ những bước đi bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam đã dần khẳng định là một nền kinh tế phát triển năng động, một đối tác có trách nhiệm, đáng tin cậy ở khu vực và trên thế giới.
Nhìn lại lịch sử có thể thấy, việc gia nhập ASEAN năm 1995 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hình chính sách chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chặng đường 25 năm qua qua với những kết quả trong quá trình phát triển của ASEAN càng khẳng định quyết sách khi đó là đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa lịch sử và chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.
ASEAN chính là một "sân chơi" quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật trong nước cho phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài mối quan hệ đặc biệt với Lào và Campuchia, từ khi gia nhập hiệp hội đến nay, Việt Nam đã xác lập quan hệ Đối tác chiến lược với 5 nước gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Đối tác toàn diện với 2 nước Myanmar, Brunei.
Là thành viên ASEAN, Việt Nam cũng đã mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài khu vực, tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế như ASEAN 3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tiến trình hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...
Trong bức tranh phát triển chung của ASEAN hơn 50 năm qua, hợp tác kinh tế luôn là lĩnh vực sôi động với nhiều kết quả cụ thể và thiết thực. Thành tựu nổi bật nhất là Việt Nam đã tranh thủ được những cơ hội trong hội nhập kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu, bước đầu tham gia vào chuỗi giá trị khu vực. Hiện ASEAN đang chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang ASEAN khoảng 23% và nhập khẩu là 19%.
Không chỉ tham gia sâu rộng và toàn diện vào hợp tác nội khối, Việt Nam cùng hiệp hội thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế với các đối tác quan trọng khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc... thông qua ký kết một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác này. Quan hệ hợp tác kinh tế với các đối tác quan trọng khác như Hoa Kỳ, EU, Canada, Liên bang Nga cũng được Việt Nam phối hợp với các nước thành viên trong hiệp hội triển khai tích cực thông qua các sáng kiến và chương trình hành động cụ thể. Trên nền tảng kết quả chung đó, quan hệ của hợp tác của Việt Nam với các đối tác quan trọng này cũng ngày càng mở rộng và phát triển.
Tuy không phải là thành viên sáng lập, nhưng từ khi gia nhập tổ chức khu vực này, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh vai trò đoàn kết khu vực, Việt Nam là nhân tố thúc đẩy sự phát triển và tăng cường vị thế của hiệp hội. Từ một tổ chức hợp tác lỏng lẻo, một thực thể nhỏ bé ở Đông Nam Á, ngày nay ASEAN đã thực sự lớn mạnh và là một trong số các khu vực có mức tăng trưởng nhanh và năng động trên thế giới.
Trong tiến trình đó, Việt Nam đóng vai trò không nhỏ trong việc xác định phương hướng phát triển và các quyết sách lớn của hiệp hội như: Xây dựng Tầm nhìn 2020, Hiến chương ASEAN, Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển... Tại những thời điểm hiệp hội gặp khó khăn nhất, Việt Nam cũng là một trong những yếu tố giúp ASEAN lấy lại sức mạnh, tạo đà vượt qua khủng hoảng.
Năm 2020, Việt Nam lần thứ ba đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng là lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên toàn cầu. Trước “cơn sóng thần” mang tên Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia để đối phó với đại dịch thông qua hình thức họp trực tuyến. Kết quả thu được từ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN 3 về ứng phó với Covid-19, sau đó là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 được các nước thành viên cùng cộng đồng thế giới đánh giá rất cao.
Ông Dato Lim Jock Hoi - Tổng Thư ký ASEAN khẳng định: “Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19. Những phản ứng mạnh mẽ của ASEAN phần lớn là do sự lãnh đạo của Việt Nam, đặc biệt trong việc thúc đẩy các quốc gia thành viên đối thoại và hợp tác thông qua hàng loạt hội nghị trực tuyến. Chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua thử thách của đại dịch Covid-19 với sự đồng thuận, kiên cường và nỗ lực".
Không chỉ xuất sắc với vai trò định hướng, dẫn dắt, trong đại dịch Covid-19, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và hợp tác quốc tế của Việt Nam một lần nữa được phát huy, tỏa sáng. Dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, ủng hộ tiền, quà và vật tư y tế cho công tác chống dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước thành viên ASEAN.
Một phần tư thế kỷ trôi qua, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh và bền vững của ASEAN. Điều đó cũng để thế giới thấy dấu ấn một Việt Nam nội lực, bản lĩnh, trí tuệ, sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.