Cần nhiều yếu tố để phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư
Đời sống - Ngày đăng : 14:16, 28/07/2020
Hội thảo do Thanh tra Chính phủ phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Dự án thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng ở khu vực này là yêu cầu tất yếu.
“Báo cáo đánh giá quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước” nhằm giúp Thanh tra Chính phủ xây dựng hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo dự thảo báo cáo, qua khảo sát 50 đối tượng là các doanh nghiệp và tổ chức xã hội ngoài nhà nước và các cơ quan nhà nước, 41 doanh nghiệp, tổ chức được khảo sát cho rằng, cần xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát trong doanh nghiệp, tổ chức mình.
22% số đối tượng được hỏi đã xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; 48% đang xây dựng và 28% chưa tiến hành xây dựng.
Đặc biệt, 59% số đối tượng được hỏi lựa chọn phương án người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để những người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ có hành vi tham nhũng; 23% lựa chọn cấp phó của người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp, người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm liên đới; 18% chọn cả hai phương án trên.
Dự thảo báo cáo đề xuất một số nội dung hướng dẫn: Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp cần quy định trong điều lệ, quy định của đơn vị mình về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng; xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh và cơ chế kiểm soát nội bộ; quy định và thực hiện quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức…
Cơ bản nhất trí với các đề xuất trong dự thảo báo cáo, các ý kiến phát biểu cho rằng, để phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhân hiệu quả, cần coi trọng một số yếu tố: Môi trường kinh doanh phải minh bạch; có cơ chế tiếp nhận phản hồi tốt; nhiều bên giám sát (cổ đông, người tiêu dùng, báo chí, các tổ chức độc lập)…
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ về trách nhiệm giải trình cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan và có chế tài xử lý mạnh đối với các hành vi tham nhũng mà không cần phân biệt tham nhũng nhiều hay ít…
Phát biểu kết luận, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm khẳng định, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến, đưa ra giải pháp phù hợp nhất để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.