400 du khách ''mắc kẹt'' tại Đà Nẵng bình tĩnh thực hiện giãn cách xã hội
Du lịch - Ngày đăng : 14:56, 29/07/2020
Còn 400 du khách "mắc kẹt" tại Đà Nẵng
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết, theo điều tra mới nhất, hiện có khoảng 400 du khách vẫn còn "mắc kẹt" tại Đà Nẵng, đang thực hiện giãn cách xã hội tại các cơ sở lưu trú. Hiện nay, Sở Du lịch và Công an thành phố đang rà soát, phân loại thông tin của du khách.
Đến thời điểm này, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương hỗ trợ du khách nơi cư trú cũng như điều kiện sinh hoạt một cách tốt nhất. Hàng loạt khách sạn tại Đà Nẵng đã cùng "bắt tay" giúp đỡ du khách "mắc kẹt" với mức phí giảm giá kịch khung.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Điều hành khách sạn Biển Vàng cho biết, khách sạn đang đón 30-40 khách du lịch bị "mắc kẹt" tại Đà Nẵng. Khách sạn hỗ trợ tối đa chi phí cho du khách, trước kia giá khách sạn là 800.000-900.000 đồng/phòng/ngày thì nay giảm còn 300.000 đồng/phòng/ngày, cho phép 3-4 khách ở chung. Bên cạnh đó, khách sạn cũng hỗ trợ ăn uống cho du khách, tổ chức nấu suất ăn với giá 25.000 đồng/suất nếu khách có nhu cầu.
"Dịch bất ngờ xảy ra là điều không ai muốn. Điều tốt nhất lúc này là các đơn vị cùng hỗ trợ nhau, hỗ trợ du khách không bị hoảng loạn, lo lắng. Hiện nay, chúng tôi đồng ý hoàn, hủy 100% giá phòng cho khách đã đặt từ tháng 7 đến hết tháng 9-2020", chị Mỹ Trinh cho biết.
Giống như khách sạn Biển Vàng, khách sạn Mai Sơn Phương (3 sao) cũng đang đón khoảng 15 du khách bị "kẹt" tại Đà Nẵng, đều là người Hà Nội. Chị Trần Thị Bê, quản lý khách sạn cho biết, ngay khi có chủ trương hỗ trợ du khách, cơ sở lưu trú của chị đã giảm các chi phí dịch vụ cho khách, để khách thuê với giá phòng là 300.000 đồng/ngày, giá căn hộ là 400.000 đồng/ngày.
"Chúng tôi biết khách miền Bắc có khẩu vị riêng nên đã để nhiều gia đình sử dụng bếp của khách sạn tự nấu ăn. Nhân viên khách sạn sẽ giúp du khách mua các nhu yếu phẩm để họ có thể nấu nướng. Trong trường hợp khách không tổ chức nấu ăn được, khách sạn vẫn bố trí nhân viên nấu theo nhu cầu của khách với giá bình dân", chị Trần Thị Bê cho biết.
Sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhiều du khách đã tỏ ra bình tĩnh hơn. Những lo lắng, mệt mỏi của thời điểm đầu Đà Nẵng giãn cách xã hội gần như không còn. Anh Nguyễn Văn Ninh, một du khách Hà Nội, cho biết, hiện nay, anh và gia đình đều khá yên tâm và thoải mái khi thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng.
"Hằng ngày, chúng tôi được cập nhật thông tin về dịch cũng như các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn từ chính quyền và tại các cơ sở lưu trú nên có phần yên tâm hơn rất nhiều", anh Ninh nói.
Giải pháp của ngành Du lịch
Bên lề hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa diễn ra, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trước việc dịch trở lại một số địa phương cùng diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng cục Du lịch tăng cường theo dõi, bám sát tình hình để có những giải pháp, ứng phó kịp thời. Tổng cục Du lịch chỉ đạo các sở du lịch tăng cường công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tại các nhà hàng ăn uống, cơ sở lưu trú, địa điểm vui chơi.
Tại Hà Nội, để kịp thời phòng, chống dịch khi mà lượng du khách Hà Nội đi du lịch trở về khá đông, đặc biệt là số lượng khá lớn đi về từ vùng có dịch, ngày 28-7, Sở Du lịch Hà Nội có Công văn 597/SDL-QL-CSLT gửi các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Hà Nội về việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho khách và người lao động, như phun thuốc phòng, chống dịch, trang bị khẩu trang, đặt dung dịch sát khuẩn tại nơi công cộng và khu vực lễ tân, vệ sinh nơi làm việc, phương tiện phục vụ khách du lịch, nhắc nhở du khách và nhân viên đeo khẩu trang và sát khuẩn trước khi tham gia các dịch vụ du lịch. Các khu, điểm du lịch cần chủ động, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành điều phối các đoàn khách tham quan, tránh tập trung đông tại cùng một thời điểm.
"Các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú khẩn trương khai báo y tế, báo cáo tình hình các đoàn khách du lịch đã đến hoặc đi qua các vùng dịch trong thời gian từ ngày 8-7 đến nay. Đồng thời, các đơn vị phải lập danh sách các nhân viên, hướng dẫn viên đã tiếp xúc với các đoàn khách du lịch để có biện pháp hỗ trợ y tế kịp thời. Đây là yêu cầu bắt buộc, các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc", ông Trần Trung Hiếu cho biết.
Hiện nay, nhiều điểm di tích, danh thắng của Hà Nội cũng đã "kích hoạt" trở lại các biện pháp phòng, chống dịch. Hàng loạt điểm đến là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn... đều thực hiện phun khử khuẩn, yêu cầu nhân viên, hướng dẫn viên và du khách phải đeo khẩu trang khi tham quan.