Ngừng bắn tại miền Đông Ukraine: Nhen nhóm hy vọng hòa bình
Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 29/07/2020
Theo nội dung chính thỏa thuận ngừng bắn được thống nhất tại cuộc họp trực tuyến của Nhóm Tiếp xúc ba bên ngày 22-7, gồm đại diện của Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), từ 0h00 (giờ địa phương) ngày 27-7, các lực lượng vũ trang Ukraine và hai nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR), Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng sẽ ngừng mọi hành động tấn công, do thám và các hành vi vi phạm thỏa thuận sẽ bị trừng phạt.
Trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận giải pháp cho tình hình miền Đông Ukraine. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các bên xung đột tuân thủ vô điều kiện thỏa thuận này, đồng thời khẳng định đây là ưu tiên hàng đầu để thực hiện những giải pháp mà các nhà lãnh đạo của Bộ tứ Normandy gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine đạt được, bao gồm nội dung cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 12-2019 tại Paris (Pháp). Theo đó, các bên sẽ thúc đẩy việc hình thành 3 khu vực giảm xung đột mới, thiết lập các điểm qua lại mới, cho phép dân thường đi qua đường ranh giới kiểm soát chia tách Donetsk và Lugansk với phần còn lại của Ukraine. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ tứ Normandy cũng ủng hộ việc thực thi cái gọi là “Công thức Steinmeier” - đặt tên theo cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức. Nếu sáng kiến này được triển khai, các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ở Donetsk và Lugansk để trao quy chế tự trị cho mỗi vùng.
Tuy nhiên, lộ trình đưa Ukraine tới hòa bình còn phụ thuộc nhiều vào mức độ thực hiện cam kết của các bên liên quan tới xung đột. Ngày 28-7, chỉ một ngày sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Chỉ huy các lực lượng tác chiến chung của Ukraine (JFO) Volodymyr Kravchenko đã cáo buộc các lực lượng ở miền Đông tiếp tục vi phạm lệnh ngừng bắn khi tấn công bằng nhiều loại vũ khí vào các lực lượng của Chính phủ Ukraine. Điều này cho thấy nguy cơ về sự đổ vỡ của lệnh ngừng bắn mới như từng diễn ra nhiều lần trước đây.
Kể từ cuộc chính biến tại Ukraine năm 2014 dẫn tới việc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych có quan điểm gần gũi với Nga và thay thế bằng chính quyền có đường lối hướng theo Mỹ, Liên minh châu Âu, miền Đông nước này đã biến thành chiến trường đẫm máu. Để thể hiện quan điểm ủng hộ Nga, hai tỉnh Donetsk và Lugansk, vốn giáp xứ sở Bạch dương đã đòi ly khai khỏi Ukraine để thành lập quốc gia độc lập. Xung đột giữa các bên đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người. Nhiều cuộc đàm phán đã được tổ chức nhằm chấm dứt xung đột. Trong số đó, thỏa thuận Minsk ký kết năm 2015 dưới sự bảo trợ của Bộ tứ Normandy được xem là con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraine. Thế nhưng, tới nay hiệu quả những cam kết của các bên còn hạn chế.
Một trong những nút thắt lớn của tiến trình hòa bình là cách thức tổ chức bầu cử cho Donetsk và Lugansk. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mong muốn, các cuộc bầu cử phải được thực hiện theo luật pháp của Ukraine và chỉ khi nào lực lượng quân sự nước ngoài rút hoàn toàn khỏi Donetsk, Lugansk, sự kiện này mới diễn ra. Điều kiện trên được đưa ra bởi lẽ lâu nay, Kiev vẫn cho rằng Nga hậu thuẫn các tay súng tại miền Đông Ukraine. Trong khi đó, các bên còn lại của Bộ tứ Normandy là Nga, Đức và Pháp chưa thể hiện sự ủng hộ với yêu cầu của nhà lãnh đạo Ukraine.
Quyết định ngừng bắn vừa có hiệu lực được xem là một nỗ lực nhằm chuyển động cỗ xe hòa bình. Song, xung đột có thực sự kết thúc hay không còn phụ thuộc nhiều vào những cố gắng tiếp theo của các bên nhằm thúc đẩy hòa giải, thu hẹp khác biệt.