Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 12:47, 29/07/2020

(HNMO) -  Ngày 29-7, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội nghị - hội thảo "Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam" với sự tham dự của đông đảo người tham gia hoạt động điện ảnh và văn hóa khu vực phía Bắc.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu đề dẫn, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhận định, Liên hoan Phim Việt Nam tổ chức 2 năm/lần là sự kiện điện ảnh mang tầm quốc gia, có truyền thống, đã trải qua 21 lần tổ chức thành công.

Với mục tiêu xây dựng, quảng bá, nâng tầm và phát triển Liên hoan Phim Việt Nam chính thức trở thành thương hiệu quốc gia, qua đó thu hút công chúng trong nước và bạn bè quốc tế với nghệ thuật điện ảnh và Liên hoan Phim Việt Nam nói riêng, đất nước, con người Việt Nam nói chung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Điện ảnh phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án "Quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam".

Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý và chia sẻ kinh nghiệm về nhiều nội dung, như: Giải pháp tuyên truyền, quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam; cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về xây dựng và quảng bá; thu hút tác phẩm chất lượng tham gia; xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam thông qua hoạt động xúc tiến phát triển điện ảnh và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng và quảng bá trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube)...

Theo ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Trưởng ban Soạn thảo đề án, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam rất quan trọng, trong đó, việc gắn kết với các hoạt động văn hóa đối ngoại và xúc tiến du lịch sẽ góp phần đưa thương hiệu lan tỏa rộng hơn.

Việt Nam nên học hỏi các quốc gia trong việc xây dựng thương hiệu Liên hoan Phim quốc gia, như tổ chức sự kiện ở một địa điểm cố định hoặc luân phiên theo chu kỳ để tạo dấu ấn, điểm hẹn với công chúng; liên tục thay đổi với nhiều hoạt động bên lề như chợ phim dành cho những người hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện để các địa phương giới thiệu bối cảnh làm phim, tổ chức giao lưu giữa những nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng với khán giả, tổ chức tuần phim đoạt giải Liên hoan Phim Việt Nam tại các địa phương và trên thế giới, tăng giải thưởng cho các nhà làm phim trẻ...

Đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định, Liên hoan Phim Việt Nam là thương hiệu quan trọng cho ngành Điện ảnh mỗi quốc gia, cần được tổ chức chuyên nghiệp, duy trì quảng bá, chào mời, giới thiệu liên tục để tạo ấn tượng, cảm xúc với khán giả. Phim mới chính là cốt lõi của một liên hoan phim, vì vậy, việc chọn lựa phim đoạt giải phải được giới chuyên môn và công chúng đồng tình, phim đoạt giải được tạo điều kiện tiếp tục chinh phục tại các liên hoan phim quốc tế.

Theo đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ, vấn đề lớn nhất của Liên hoan Phim Việt Nam là quảng bá chưa đủ mạnh, do đó, cần tận dụng lợi thế công nghệ số trong công tác quảng bá, giới thiệu về Liên hoan Phim Việt Nam và các tác phẩm điện ảnh Việt Nam tham dự, đoạt giải thông qua mạng xã hội, video clip, chuyên mục, chuyên đề trên các kênh thông tin đại chúng...

Các ý kiến thảo luận trong hội nghị - hội thảo sẽ được Cục Điện ảnh tổng hợp, tiếp thu đưa vào Đề án và phục vụ công tác xây dựng thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam.

An Nhi