Quý II-2020: VietinBank nâng cao chất lượng hoạt động, kết quả kinh doanh tích cực
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:10, 29/07/2020
Tăng trưởng GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 tuy đạt mức 1,81%, thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng thuộc nhóm đầu trên thế giới và trong khu vực. Việc duy trì được ổn định vĩ mô đã góp phần tạo ra cơ hội cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh với những biến động của thị trường.
Với vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực và trụ cột của nền kinh tế, VietinBank vừa đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sau dịch bệnh; vừa đẩy mạnh đổi mới, cải cách, tái cấu trúc hoạt động để phát triển bền vững, bảo đảm hiệu quả hoạt động kinh doanh và lợi ích của cổ đông, gia tăng lợi nhuận để tăng vốn tự có, tạo tiền đề để tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế trong các năm tiếp theo.
Chuyển dịch cơ cấu tài sản theo hướng tích cực
Tính đến ngày 30-6-2020, tổng tài sản của VietinBank đạt 1.240 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,09% so với cuối năm 2019, chủ yếu do VietinBank giảm tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (giảm 48,23% so với cuối năm 2019). Đây là chiến lược quản lý dự trữ bắt buộc của VietinBank theo hướng tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước.
Tiền gửi khách hàng tại thời điểm ngày 30-6-2020 đạt 913 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2019 với tỷ trọng tiền gửi phân khúc khách hàng bán lẻ và khách hàng FDI gia tăng. Dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm ngày 30-6-2020 đạt 941 nghìn tỷ đồng, tăng 0,66% so với cuối năm 2019, được cải thiện rõ nét trong tháng 6 và tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích. Cơ cấu dư nợ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ở các phân khúc có hiệu quả sinh lời cao với tỷ trọng bán lẻ và SMEs chiếm khoảng 56% dư nợ cho vay tại thời điểm ngày 30-6-2020, tiếp tục tăng so với cuối năm 2019.
Đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi và tiết giảm chi phí
Việc VietinBank liên tục triển khai các chương trình, chính sách miễn giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến thu nhập lãi lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp (0,4%) so với cùng kỳ năm 2019; tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi (bao gồm cả thu phí bảo lãnh) của VietinBank đạt 4.772 tỷ đồng, tăng 27,19% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, bên cạnh việc đa dạng hóa đối tượng khách hàng mua bán ngoại tệ, tăng cường khai thác các khách hàng mới, VietinBank đã thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm ngoại hối phái sinh và triển khai mạnh mẽ giải pháp giao dịch mua bán ngoại tệ online trên kênh EFAST tới khách hàng.
Nhờ vậy, thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời, trong quý I-2020, VietinBank đã chủ động đẩy mạnh đầu tư danh mục trái phiếu kinh doanh và ghi nhận lợi nhuận tốt (tăng 186% so với cùng kỳ năm 2019).
Bên cạnh đó, VietinBank cũng quán triệt chủ trương tiết giảm chi phí, theo đó với chi phí hoạt động của VietinBank lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 là 6.599 tỷ đồng, giảm 3,79% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn thu ngoài lãi tăng mạnh cùng với triển khai tiết giảm chi phí đã giúp lợi nhuận trước thuế của VietinBank lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 tăng 39,83% so với cùng kỳ năm 2019.
Kiểm soát tốt chất lượng nợ và chi phí dự phòng rủi ro
VietinBank đã chủ động nhận diện sớm rủi ro và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng danh mục, tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần kiểm soát tốt chỉ tiêu chất lượng nợ và mức độ tác động của kết quả phân loại nợ đến tình hình tài chính của Ngân hàng.
Tính đến ngày 30-6-2020, VietinBank tiếp tục duy trì là một trong những ngân hàng có chất lượng nợ tốt nhất với tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng là 1,7%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30-6-2020 giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước do ngân hàng nỗ lực kiểm soát chất lượng nợ và triển khai hiệu quả các biện pháp đồng hành, hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động kinh doanh.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro giảm so với cùng kỳ mặc dù VietinBank vẫn tiếp tục trích lập thêm dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC nhanh hơn nhiều so với lộ trình theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm, VietinBank đã mua lại thêm trên 6.000 tỷ đồng nợ bán VAMC, nâng tổng giá trị nợ mua lại từ thời điểm bán nợ tháng 12-2018 đến nay (sau khoảng 1,5 năm) lên tới gần 6.800 tỷ đồng (chiếm hơn 1/2 mệnh giá ban đầu), số còn lại VietinBank cũng đã trích dự phòng rủi ro khoảng 50% giá trị khoản nợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Kinh tế 6 tháng cuối năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đang mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp có khả năng biến chuyển nhanh, nắm bắt kịp xu hướng thị trường. Khó khăn cũng tạo ra những ngành, lĩnh vực kinh doanh tiềm năng mới.
Đây là những cơ hội mà VietinBank cần nhanh chóng nắm bắt và tận dụng để sát cánh cùng doanh nghiệp phát triển, củng cố và gia tăng cơ sở khách hàng, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, tiếp tục tăng trưởng hiệu quả trong thời gian tới.