Xuất huyết giảm tiểu cầu có thể nguy hiểm đến tính mạng

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:04, 30/07/2020

(HNMCT) - Hỏi: Xin bác sĩ cho biết xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh có phải do vi rút gây ra hay không? Đối tượng nào dễ mắc bệnh và bệnh có nguy hiểm tới tính mạng? Nguyễn Văn Dương (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội).

Ảnh minh họa.

Đáp: Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là tên gọi tắt của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Đây là một loại bệnh lý miễn dịch. Bệnh khá nguy hiểm, phức tạp, thường phải điều trị lâu dài và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Xuất huyết giảm tiểu cầu xảy ra ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên, đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em và người trẻ tuổi, nữ giới bị bệnh nhiều hơn nam giới.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là một bệnh lý ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (immune thrombocytopenic purpura - ITP), trước đây gọi là ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra ITP, chỉ biết rằng nó xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy đi chính các tiểu cầu trong máu. Ngoài ra, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch còn do các nguyên nhân khác do nhiễm siêu vi (như sởi, Parvovirus, siêu vi viêm gan C, Epstein-Barr, HIV); bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính; ban xuất huyết giảm tiểu cầu do thuốc gây ra; nhiễm khuẩn huyết; nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (H. Pylori) - loại vi khuẩn sống trong dạ dày.

Trong đa số trường hợp, người bệnh dễ bị chảy máu ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng như chấm xuất huyết ngoài da, bầm da, chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, rong kinh, tiểu máu, nôn ra máu, xuất huyết não... và thông thường, giảm tiểu cầu sẽ không biểu hiện triệu chứng trừ khi tiểu cầu giảm nhiều. Các triệu chứng thường gặp nhất là chảy máu mũi hoặc nướu răng, thấy máu trong phân hoặc nước tiểu. Phụ nữ có thể bị rong kinh, cường kinh. 

Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp, cơ thể người bệnh sẽ có thể bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ. Các trường hợp xuất huyết nặng bao gồm xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu), xuất huyết đường niệu (tiểu đỏ), xuất huyết não, màng não (tai biến)... Tuy nhiên, tỷ lệ xuất huyết não, màng não rất thấp, chỉ khoảng 0,5 - 1% người bệnh.

Vì vậy, khi thấy những triệu chứng nghi ngờ thì người dân hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra số lượng tiểu cầu để loại trừ xuất huyết do giảm tiểu cầu, tìm nguyên nhân và điều trị sớm, triệt để.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp