Mạc Cao - kỳ quan trên vách đá
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 11:30, 30/07/2020
Lịch sử phát triển huy hoàng
Đôn Hoàng là một trong những đô thị trọng yếu của hành lang Hà Tây dọc theo con đường tơ lụa cổ đại, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật thông qua việc trao đổi buôn bán hàng hóa của các thương nhân. Đạo Phật của Ấn Độ truyền nhập vào Trung Quốc thông qua hành lang này. Vì thế Đôn Hoàng đã trở thành thánh địa của đạo Phật.
Mạc Cao được xây dựng vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều và phát triển rực rỡ nhất từ thế kỷ IV tới thế kỷ XIV. Nơi đây có tới 492 hang động, 45.000m² bích họa cùng hơn 2.000 pho tượng và được xem như “Thiên Phật động”.
Tương truyền, vào năm năm 366, có một vị hòa thượng tên hiệu Lạc Tôn đã tới núi Tam Nguy phía Nam thành Đôn Hoàng. Mặt trời sắp lặn mà hòa thượng vẫn bị lạc trong sa mạc. Ngài thất vọng dõi mắt nhìn ra xa. Đột nhiên, trên đỉnh núi Tam Nguy trước mắt ngài xuất hiện một luồng hào quang. Hòa thượng Lạc Tôn lập tức quỳ xuống đảnh lễ và tin rằng đây chính là thánh địa. Thực ra, ánh sáng mà hòa thượng Lạc Tôn thấy chỉ là sự khúc xạ ánh sáng trên sa mạc lúc mặt trời sắp lặn. Tuy nhiên thời đó mọi người chưa lý giải được cảnh tượng tự nhiên này, họ lại sùng tín Phật giáo nên cho rằng đó chính là ánh hào quang của Phật. Hòa thượng Lạc Tôn quyết tâm đi khắp nơi quyên góp, mời các nghệ nhân tạc tượng trong động đá trên núi để thờ Phật. Dần dần, nhiều người biết tới Mạc Cao, các viên quan địa phương, thương nhân, thường dân vì cầu phúc mà tiếp tục khai mở các thạch khu lớn nhỏ khác nhau. Đến thời nhà Đường, Mạc Cao đã trở thành thánh địa Phật giáo với hơn 1.000 hang động.
Kỳ quan của nhân loại
Các chuyên gia khảo cổ cho rằng hang Mạc Cao là đỉnh cao trí tuệ của người cổ đại. Đôn Hoàng có địa hình chủ yếu là sa mạc, vì vậy phải xây dựng Mạc Cao như thế nào mới tránh được tình trạng cát xâm lấn nhấn chìm tất cả. Người xưa đã lựa chọn xây dựng Mạc Cao trên sườn núi đá Minh Sa, địa thế hang động theo hướng phía Tây nhìn về phía Đông. Ở giữa là một con sông và đối diện với Mạc Cao là dãy núi Tam Nguy. Các hang động ở Mạc Cao không hang nào cao vượt quá 40m và nằm san sát nhau như tổ ong.
Mùa hè, khi gió thổi mạnh, núi Tam Nguy trở thành tấm lá chắn khiến gió cát không thể lọt vào hang. Mùa đông, gió cát từ phía Tây thổi tới lại trượt qua đỉnh hang không rơi được một hạt vào bên trong. Nhờ trí tuệ tài tình của người xưa mà đến nay chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng một Mạc Cao hoàn hảo đến vậy.
Khác với Thiên Phật động Kizil ở Khâu Từ hay hang đá Long Môn ở Hồ Nam, chất đá ở dãy núi Minh Sa rất cứng, không thể đục đẽo chính vì vậy các nghệ nhân đã phải dùng đất để tạc tượng. Chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, không hề có máy móc kỹ thuật hiện đại trợ giúp, lại làm việc trong điều kiện khó khăn nhưng bằng trí tưởng tượng phong phú và kỹ xảo điêu luyện của mình, các nghệ nhân đã tạo nên những bức bích họa, pho tượng với hình dáng, sắc thái khuôn mặt khác nhau và đầy sinh động. Tượng thời Bắc Ngụy có dáng to cao, trán rộng, mũi cao, mày dài. Thời Đường thì tượng có nét mặt hài hòa, phục sức trang nhã...
Những bích họa ở Mạc Cao phần lớn về đề tài Phật giáo với các hình ảnh chư Phật, Bồ Tát, phi thiên... kết hợp với những truyền thuyết, nhân vật lịch sử về Phật giáo ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Á. Các tác phẩm phản ánh trang phục, âm nhạc, đời sống, tín ngưỡng... của các tầng lớp ở mỗi triều đại, là nhân chứng lịch sử phản ánh hiện thực xã hội bấy giờ.
Mạc Cao còn cất giữ khoảng năm vạn bản kinh chép tay, hàng nghìn bức tranh lụa, tranh khắc gỗ, tranh thêu và nhiều tác phẩm thư pháp khác. Với những giá trị to lớn như vậy, có thể khẳng định Mạc Cao chính là Bách khoa toàn thư Trung Quốc cổ đại. Năm 1987, hang Mạc Cao đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.