Tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho đất nước
Chính trị - Ngày đăng : 20:00, 30/07/2020
Cùng dự buổi gặp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.
Trước đó, sáng cùng ngày, các đại biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ (đường Bắc Sơn, Hà Nội).
Các ý kiến phát biểu tại buổi gặp mặt bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và nhân dân; gửi tới Thủ tướng, Chính phủ những đề xuất xây dựng chiến lược phát triển các ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn của Việt Nam trong 20 năm tới và xa hơn nữa theo hướng đón đầu công nghệ mới để phát triển nhanh chóng nền khoa học công nghệ nước nhà. Cùng với đó là tiếp tục bổ sung chế độ đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc để kêu gọi các trí thức, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài về nước cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Các ý kiến cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước cần xây dựng thiết chế văn hóa kết hợp với đào tạo văn nghệ sĩ chuyên nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo qua các môi trường tiên tiến tại nước ngoài; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giáo dục nghệ thuật ngay từ trường phổ thông, tránh tình trạng thế hệ tương lai thiếu hụt kiến thức về nghệ thuật. Song song với quá trình đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, nhà khoa học, cần chú trọng bồi dưỡng tư tưởng chính trị; phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng được gặp gỡ các đại biểu về dự Hội nghị gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý tại buổi gặp mặt với nhiều tâm huyết cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi đến các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ những lời chúc mừng tốt đẹp, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác tuyên giáo là một trong ba trụ cột quan trọng của công tác xây dựng Đảng; có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giáo dưỡng tinh thần, giác ngộ tư tưởng, xây dựng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần đưa đến thắng lợi cho đất nước.
Thủ tướng khẳng định, ngành Tuyên giáo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà minh chứng đậm nét là những đóng góp vào những thành tựu chung về kinh tế - xã hội cho đến những tiến bộ về mặt nhận thức, tư tưởng. Những thành tựu cách mạng vĩ đại của Đảng ta suốt hơn 90 năm qua có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo mà trực tiếp là những người làm công tác tuyên giáo.
Thủ tướng nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong từng giai đoạn lịch sử, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước đã phát huy vai trò tiên phong, sáng tạo, sát cánh cùng giai cấp công nhân, nông dân và toàn dân tộc, tiến hành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Lớp lớp trí thức văn nghệ sĩ cùng với quân dân cả nước đã giác ngộ lý tưởng, hăng hái tình nguyện nhập ngũ, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, đội ngũ trí thức, nhà khoa học Việt Nam cả trong và ngoài nước đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tham gia xây dựng phát triển đất nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao đội ngũ trí thức khoa học, văn nghệ sĩ nước nhà đã kịp thời vào cuộc, nghiên cứu, phát triển bộ kit xét nghiệm, phần mềm ứng dụng khai báo y tế, góp phần ứng phó hiệu quả trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây hậu quả rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho toàn xã hội, cả trong nước và quốc tế để phòng, chống dịch.
“Chúng ta có thể tự hào khẳng định bằng tài năng, công sức và tâm huyết, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học Việt Nam đã góp phần làm cho thế giới hiểu rằng Việt Nam không còn là tên của một cuộc chiến tranh mà thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần vì hòa bình. Một hình mẫu đổi mới luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng hùng cường không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; luôn trân trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức khoa học, văn nghệ sĩ phát triển cả về số lượng, chất lượng nhằm đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Chính phủ cũng đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo.
Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền luôn trân trọng, ghi nhận những công lao đóng góp và dành sự quan tâm, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát huy tài năng, trí tuệ để tiếp tục đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, văn nghệ của nước nhà. Nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học đã được tặng các danh hiệu Giải thưởng vinh dự Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, những kết quả, thành tựu do đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đóng góp mặc dù rất quan trọng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. Đội ngũ trí thức tuy đã gia tăng về số lượng và trình độ nhưng còn thiếu trí thức đầu ngành, tổng công trình sư, các chuyên gia chủ trì thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu quốc gia và quốc tế.
Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị cao về những thành tựu có tính lịch sử, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Vẫn còn một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ chưa ý thức rõ bổn phận của mình đối với đất nước, chưa tâm huyết, chưa đầu tư nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ. Một số rất ít trí thức giả danh hám lợi đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín chung của nhà trí thức chân chính; nhiều văn nghệ sĩ thoát ly khỏi đời sống nhân dân, do đó bị mất đi nguồn nhựa sống để sáng tác…
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng và kỳ vọng đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc như di nguyện của Bác Hồ.
Đặt vấn đề, trong một thế giới phẳng, thách thức đặt ra đối với văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học chính là từ giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc, hòa nhập chứ không hòa tan, Thủ tướng nêu rõ, các văn nghệ sĩ, trí thức ngày nay cũng chính là những chiến sĩ luôn đề cao cảnh giác tinh thần đấu tranh trên mặt trận này để biết cách truyền cảm hứng, khơi gợi ý thức trong giới trẻ về cội nguồn, tổ tiên, về tinh thần, lý tưởng phụng sự quốc gia độc lập, tự cường, thịnh vượng…
Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng mong muốn đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đóng góp quan trọng vào việc sáng tạo, nghiên cứu, đề xuất, phản biện chính sách phục vụ xây dựng, quyết định và triển khai đường lối của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.