Tạo sức bật mới trên thị trường

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 31/07/2020

(HNM) - Là đất trăm nghề với vùng nông thôn rộng lớn, Hà Nội có nhiều sản phẩm thủ công truyền thống, nông sản, đặc sản nổi tiếng. Từ tiềm năng, thế mạnh này, việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trở thành bệ đỡ hiệu quả cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn.

Điểm thuận lợi là khi tham gia OCOP, các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao về nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, chất lượng. Vì thế, 301 sản phẩm đã được cấp sao (theo quy định tại OCOP) của Hà Nội đều đã ghi được dấu ấn với người tiêu dùng. Nổi bật có thể kể đến như: Gốm sứ Bát Tràng; gạo Bắc thơm số 7 của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng; sữa bò tươi của Hợp tác xã Chế biến bò sữa Phù Đổng...

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là sản phẩm OCOP dù bảo đảm chất lượng nhưng vẫn chật vật, loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường. Đây rõ ràng là một nghịch lý cần sớm hóa giải. Nguyên nhân có nhiều, song cơ bản là do các sản phẩm chưa khẳng định được thương hiệu, người tiêu dùng chưa biết đến nhiều. Trong khi đó, mẫu mã, giá cả chưa có sức cạnh tranh với hàng cùng chủng loại trên thị trường. Chủ thể tham gia OCOP đa phần là các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp quy mô nhỏ nên khó kết nối với hệ thống bán lẻ hiện đại...

OCOP là chương trình thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị một cách bền vững. Đây cũng là một trong những giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để phát huy được vị trí, vai trò của sản phẩm OCOP, yêu cầu đặt ra là phải làm thế nào chiếm lĩnh thị phần trên thị trường nội địa đang có nhiều tiềm năng, lợi thế.

Cần nhận thức rằng, trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP một cách hiệu quả và bền vững, Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách cũng như quy hoạch vùng sản xuất, quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm..., còn sản phẩm OCOP muốn đứng vững thì phải “sống” bằng nội lực. Vì thế, các chủ thể OCOP cần chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tìm cách hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, điều quan trọng hơn mà các chủ thể tham gia OCOP phải chú trọng là bảo vệ hình ảnh, thương hiệu; tạo cho sản phẩm có hình thức hấp dẫn và từng bước xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Về phía cơ quan chức năng, bên cạnh việc giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm trên thị trường... Đặc biệt, cần tạo điều kiện hơn nữa để những chủ thể OCOP liên kết với nhà phân phối, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích.

Ở góc độ chính quyền địa phương nơi có sản phẩm OCOP, cần hướng dẫn các đơn vị sản xuất bảo đảm tiêu chí và tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của chương trình OCOP trong phát triển kinh tế địa phương, đồng thời mang lại cơ hội làm giàu cho bản thân mình. Từ đó, sẽ kích thích các chủ thể có niềm tin, động lực trong việc tạo ra những sản phẩm định vị được thương hiệu cho cả vùng, miền.

Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ vì mục tiêu trước mắt là tăng thêm thu nhập cho người dân, mà về lâu dài còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý (hạn chế dân di cư lao động tự do tại khu vực nội thành). Vì mục tiêu lớn này, OCOP phải ngày càng thực chất hơn nữa để các sản phẩm tạo được sức bật mới trên thị trường.

Thiện Mỹ