Theo dấu ngàn năm với “Đêm trước dời đô”
Du lịch - Ngày đăng : 10:26, 31/07/2020
Tìm lại dấu xưa
Năm 1010, vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La bởi thành Đại La “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sau sông trước” (Chiếu dời đô). Ngày nay, di tích Cố đô Hoa Lư nằm trong Quần thể Tràng An của Ninh Bình cùng với Khu di tích Hoàng thành Thăng Long của Hà Nội được UNESCO công nhận là những di sản văn hóa, thiên nhiên và Di sản văn hóa thế giới. Không những vậy, đây đều là hai điểm đến nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Với mong muốn xây dựng một sản phẩm ý nghĩa, mang dấu ấn mới cho những điểm đến đã quen thuộc, vừa qua, Công ty Lữ hành Hanoitourist phối hợp với một số doanh nghiệp và Sở Du lịch Ninh Bình thực hiện khảo sát, xây dựng sản phẩm “Đêm trước dời đô” kết nối hai điểm đến và hai địa phương Ninh Bình - Hà Nội. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ: “Năm nay đánh dấu 1010 năm vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, vì thế, cần có một chương trình tour truyền tải được ý nghĩa của sự kiện này đến du khách”.
Dựa trên nền tảng tour truyền thống, “Đêm trước dời đô” dự kiến bắt đầu vào buổi chiều. Theo đó, du khách sẽ đi thuyền khám phá danh thắng Tràng An trong ánh hoàng hôn, sau đó tham gia các nghi lễ, hoạt cảnh tái hiện giây phút vua Lý Công Uẩn xuống thuyền ra Đại La. Màn đêm buông xuống cũng là lúc ánh đèn, nến tỏa sáng lung linh tại khu vực bến thuyền và một đoạn sông Sào Khê - nơi thuyền vua từng qua. Sau khi kết thúc các nghi lễ, du khách sẽ tham quan chùa Bái Đính về đêm và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Ninh Bình.
Ngày hôm sau, du khách tham quan cố đô Hoa Lư và Nhà trưng bày Di sản văn hóa thời Đinh - Tiền Lê, nơi bảo quản những dấu tích của các cung điện, đền đài không còn tồn tại trên mặt đất và xem các đoạn phim ngắn để hình dung rõ hơn về kinh đô Hoa Lư xưa. Một điểm check-in khác là cầu Đông - nơi quan lại thường qua để vào thiết triều và là nơi giao thương sầm uất của kinh đô Hoa Lư xưa. Tiếp đó, du khách sẽ về Hà Nội để tìm hiểu, khám phá Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Liên kết hai địa phương
Ủng hộ ý tưởng của Công ty Lữ hành Hanoitourist, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng: “Đêm trước dời đô” hứa hẹn là sản phẩm hấp dẫn, góp phần tăng mối liên kết giữa Ninh Bình và Hà Nội. Đây là sản phẩm đòi hỏi sự đầu tư bài bản, nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp có thể còn điều chỉnh nội dung, hình thức cho phù hợp để thu hút du khách.
Song song với việc xây dựng tour trải nghiệm mới ở Ninh Bình, Công ty Lữ hành Hanoitourist cũng đang hỗ trợ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long chuẩn hóa bài thuyết minh, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên và xây dựng tuyến tham quan mới, trong đó có sản phẩm “Đêm trước dời đô”. Theo ông Phùng Quang Thắng, với lịch sử tồn tại hơn 10 thế kỷ của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, việc chắt lọc thông tin để du khách dễ dàng tiếp nhận đòi hỏi phải được tính toán kỹ lưỡng. “Bên cạnh mục tiêu đưa đến cho du khách một tour trải nghiệm độc đáo, chúng tôi cũng phải tính toán để sản phẩm có sức sống lâu dài trên thị trường. Sau dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, “Đêm trước dời đô” sẽ được đầu tư bài bản hơn để khai thác tối đa các giá trị di sản cũng như nền kinh tế đêm nhằm mang lại lợi nhuận và nguồn thu cho địa phương”, ông Phùng Quang Thắng nói.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, việc khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa để xây dựng những tour mang tính đặc trưng là hướng đi bền vững, góp phần tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. “Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Sở sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương, hỗ trợ thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trong các sự kiện”, ông Trần Trung Hiếu khẳng định.
“Đêm trước dời đô” dự kiến sẽ triển khai vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm nay.