Làm rõ tính văn hiến khi điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô
Kinh tế - Ngày đăng : 13:11, 18/11/2022
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Tham dự còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Hội nghị đã tập trung thảo luận, phân tích nhiều chiều và làm rõ những ưu điểm, hạn chế của báo cáo, chỉ ra những nội dung cần hoàn thiện.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các ý kiến thảo luận, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy kết luận nội dung này, đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện nội dung báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
Trong đó, cần lưu ý một số vấn đề quan trọng, trước hết, đặc trưng, đặc thù của Thủ đô Hà Nội đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Trung ương thường xuyên lưu ý và đã được nêu đậm nét trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại. Nội dung này cần được làm rõ nét, nổi bật từ quan điểm, mục tiêu, phương hướng và từng nội dung bên trong của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đó làm rõ bảo tồn khu vực nào, phát triển ra sao...
Nội dung quan trọng khác là phải tính toán khoa học, chính xác về dân số cơ học của thành phố hiện nay, dự báo khả năng gia tăng trong tương lai, cũng như xác định phương án sức tải tối đa về dân số của hệ thống hạ tầng đô thị để có phương án quy hoạch tương xứng, phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển bền vững, lâu dài của Thủ đô; đồng thời, khắc phục những bất cập về quá tải hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội hiện nay. Tập trung quy hoạch thật tốt các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; cân đối giữa quy hoạch đô thị và nông thôn; làm đậm hơn, rõ nét tính chất đối ngoại hội nhập quốc tế trong quy hoạch; bổ sung công trình văn hóa đã được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; các nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ, nhà tái định cư; quy hoạch hai bên tuyến đường như thế nào...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, việc điều chỉnh càng phải cẩn trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, lâu dài cho Thủ đô phát triển theo mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra.