Phải ngăn bằng được dịch Covid-19, càng sớm càng tốt và giảm thiểu tử vong
Sức khỏe - Ngày đăng : 12:14, 02/08/2020
Gần 18 triệu người mắc Covid-19
Cập nhật tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết, tính đến 9h00 ngày 2-8 (theo thống kê của worldometers.info) trên thế giới có 17.999.262 người mắc; 687.807 người tử vong. Dịch bệnh lan ra 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc Covid-19.
Việt Nam đứng thứ 159/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
Việt Nam đã ghi nhận 590 ca mắc Covid-19; 3 ca tử vong; số ca điều trị khỏi là 373 ca, còn 217 ca bệnh đang được điều trị.
Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 trên thế giới trong 24 giờ qua vẫn diễn biến phức tạp. Thế giới đã đạt ngưỡng 18 triệu người mắc với gần 690.000 người tử vong. Diễn biến dịch bệnh rất đáng lo ngại, một số khu vực trên thế giới xuất hiện các đợt bùng phát dịch thứ hai, thứ ba.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, tiếp đó là Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi.... Châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tăng trở lại, Ấn Độ đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc Covid-19. Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực, tiếp đó là Philippines, Singapore...
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Đà Nẵng
Tại bản tin 6h sáng 2-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 công bố thêm 4 ca mắc Covid-19, trong số này có 2 ca liên quan đến Đà Nẵng (thành phố Hồ Chí Minh 1, Quảng Ngãi 1) và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Hòa Bình.
Về công tác chỉ đạo, điều hành:
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu phải rà soát chặt chẽ, tất cả các ca F1 buộc phải cách ly, không có ngoại lệ, theo đúng quy định.
Đồng thời triển khai thành lập các Tổ Covid-19 cộng đồng và phân chia số lượng người cần quản lý, giám sát và tiến hành lấy mẫu khi có triệu chứng bất kỳ. Các lực lượng của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với địa phương, nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này.
Tích cực thực hiện giãn cách bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân nặng tại Đà Nẵng, giải phóng nhanh, giảm mật độ với bệnh viện này (ở cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế), coi đây là nhiệm vụ ưu tiên.
Theo đó, các bệnh nhân có bệnh lý nền cũng chuyển bớt vì Bệnh viện Đà Nẵng là ổ dịch siêu lây nhiễm; nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các khoa Hồi sức tích cực, khoa Hô hấp, Tim mạch cần giải phóng bệnh nhân.
Tiểu ban Điều trị sẽ tập trung các ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 vào các bệnh viện chuyên biệt là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện dã chiến có thể thu dung 2.000 bệnh nhân.
Không đưa bệnh nhân vào các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực – chống độc, Hô hấp, Tim mạch – là những nơi có khả năng lây nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng.
Về công tác điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện hiện nay của Đà Nẵng:
Báo cáo của Đội Điều trị có mặt tại Đà Nẵng cho biết, đã thiết lập một đơn vị Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và lắp đặt 20 máy chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Hòa Vang.
38 bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã chi viện cho 5 đơn vị là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang; Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Bắc Quảng Nam.
Về tình hình điều trị cho các bệnh nhân Covid -19 trên cả nước nói chung:
Đến thời điểm này đã có 373/559 ca bệnh Covid-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 63,2% tổng số ca bệnh.
Tính đến sáng ngày 2-8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện có 14 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần với vi rút SARS-CoV-2.
Về công tác điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng:
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch Covid-19 của Bộ Y tế đang hoạt động tại Đà Nẵng cho biết, các chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành số lượng hàng ngàn mẫu bệnh phẩm tại Đà Nẵng.
Cùng với đó, thành lập các Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, thành viên là cán bộ tổ dân phố có mối quan hệ tốt trên địa bàn dân cư.
Hằng ngày, các cán bộ này sẽ thực hiện nhiệm vụ nhắc nhở, tuyên truyền các gia đình thực hiện tốt Chỉ thị 16 và hỏi han, quan sát, phát hiện người dân có dấu hiệu gì bất thường để báo cho cơ quan chức năng về y tế quản lý. Các gia đình thực hiện nghiêm “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”.
Đối với việc lấy mẫu tại cộng đồng, thành phố Đà Nẵng tổ chức các chốt lấy mẫu tại những nơi có nguy cơ trước như tại khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Châu, các địa điểm đông khách du lịch và nhân viên y tế. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, lấy mẫu thật nhanh, cả dịch hầu họng và mẫu máu, khi phát hiện mẫu xét nghiệm kháng thể dương tính là tiến hành bao vây ngay.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong và ngoài ngành y tế đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2 tại chỗ; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác thực hiện xét nghiệm.
Cùng với Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ ngày 1-8, các địa phương khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Đồng Nai, Hải Phòng… cấm quán bar, karaoke, quán vỉa hè hoạt động.
Bộ Y tế khuyến cáo:
Trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, nếu ra ngoài thì phải đeo khẩu trang, nhất là ở nơi tập trung đông người hay đi trên các phương tiện giao thông công cộng…