Các địa phương phải tăng tốc mở rộng xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2
Sức khỏe - Ngày đăng : 12:30, 02/08/2020
Tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Ngày 1-8, số lượng xét nghiệm Covid-19 đã cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4-2020.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa. Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải tiến hành tập huấn ngay cho các cơ sở y tế trên địa bàn về cách thức lấy mẫu, cách phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế và các cơ sở khác. "Phải huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Cả nước có khoảng 2.500 cơ sở y tế ký hợp đồng khám bảo hiểm y tế với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Mới đây, Bộ Y tế đã phối hợp Bảo hiểm xã hội ban hành hướng dẫn về việc chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19. Các địa phương phải tăng tốc, quyết liệt, nhanh chóng mở rộng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế được thanh toán bảo hiểm y tế.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Y tế cho biết, thành phố lớn nhất cả nước này có 200 cơ sở ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội để khám bảo hiểm y tế.
Còn tại Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết có 600 cơ sở ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội để khám bảo hiểm y tế, trong đó có 10 đơn vị có khả năng đủ con người và máy móc làm xét nghiệm.
"Công suất tối đa để xét nghiệm SARS-CoV-2 trong một ngày của Hà Nội khoảng 3.300 mẫu, trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có thể làm 500 mẫu, số còn lại là ở các bệnh viện. Hà Nội cũng đang đào tạo thực hiện lấy mẫu tại các trạm y tế. Hiện Hà Nội đủ khả năng lấy mẫu xét nghiệm", ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định.
Cũng tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, các cơ sở y tế có ký hợp đồng với bảo hiểm y tế đều phải thực hiện việc xét nghiệm dưới nhiều hình thức (lấy mẫu, gửi về cơ sở có đủ điều kiện...), cơ sở này có thể là nhà nước, tư nhân, khối y tế dự phòng, quân đội, thú y... Phải mở rộng cơ sở được làm xét nghiệm và triển khai ngay, tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở này.
"Đối tượng cần xét nghiệm đã thống nhất và hướng dẫn rõ, chúng ta phải phát hiện càng sớm càng tốt, phát hiện ổ dịch sớm chừng nào thì khống chế kiểm soát tốt chừng đó", Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Tính đến sáng 2-8 đã có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua (tính từ 1-7 đến 29-7). Riêng với khu vực 3 bệnh viện (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng) có tới 800.000 lượt người đến đây. Để ứng phó một cách nhanh nhất tình hình dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử một lực lượng rất lớn các chuyên gia hàng đầu - đây là việc chưa từng có trong tiền lệ.