Hội chợ online - giải pháp hiệu quả thúc đẩy xuất nhập khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:45, 02/08/2020
Sau hai lần tham gia hội chợ trực tuyến do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, Công ty cổ phần Phân phối sản phẩm công nghệ MT (trụ sở tại phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) đã có thêm nhiều đối tác mới tại tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc công ty cho biết: "Nhờ tham gia hội chợ trực tuyến, công ty đã ký kết được nhiều đơn hàng".
Giống như Công ty cổ phần Phân phối sản phẩm công nghệ MT, 5.000 lượt doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề tham gia các kỳ hội chợ, giao thương trực tuyến do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức cũng có thêm những khách hàng mới. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết: "Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phải đóng cửa do dịch Covid-19 thì hoạt động triển lãm và giao thương trực tuyến là giải pháp khả thi thay thế hoạt động hội chợ truyền thống. Hội chợ “ảo” giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí, nhân lực và thời gian".
Chung nhận định, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc cho biết: "Công ty vừa kết nối với bốn bạn hàng sau các kỳ hội chợ online do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức. Tôi mong các hoạt động này được tổ chức thường xuyên để doanh nghiệp có thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới".
Để hoạt động giao thương không ngưng trệ do dịch Covid-19, từ tháng 4 đến nay, Cục Xúc tiến thương mại đã chuyển hướng tổ chức các hoạt động trực tuyến. Địa điểm được chọn khởi đầu tổ chức hoạt động giao thương trực tuyến là Trung Quốc bởi đây là thị trường tiêu thụ tiềm năng với bình quân nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD hàng nông sản mỗi năm; dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường này rất lớn khi năm 2019, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc từ Việt Nam mới đạt 1,6 tỷ USD. Đến nay, 7 hội chợ, giao thương trực tuyến với các tỉnh, thành như: Tứ Xuyên, Quảng Tây, Vân Nam, Sơn Đông, Trùng Khánh, Chiết Giang (Trung Quốc) đã được tổ chức và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Từ kết quả đáng khích lệ qua hoạt động giao thương trực tuyến với Trung Quốc, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục triển khai các hội chợ, giao thương trực tuyến với Hoa Kỳ, Singapore, Hà Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản. Nổi bật là hội nghị xúc tiến thương mại với Hoa Kỳ ngày 15-7 hay như sự kiện kết nối giao thương với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21-7 vừa qua. Thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, hàng hóa Việt Nam được kết nối nhiều hơn đến các khu vực Trung Đông, Trung Á và Hoa Kỳ. Ông Eric Hsu, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng: "Việc tổ chức giao thương trực tuyến trong bối cảnh hiện tại là hết sức thiết thực. Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng và Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ luôn hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, hợp tác kinh doanh".
Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, tính từ đầu tháng 4 đến nay Cục đã triển khai 20 cuộc hội thảo, giao thương - hội chợ trực tuyến với các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á và tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tương tự trong thời gian tới. “Dịch Covid-19 làm thay đổi cả thế giới, trong đó có việc giao thương buôn bán, kết nối khách hàng. Chúng tôi xác định, ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì đây vẫn là phương thức xúc tiến thương mại hữu hiệu bên cạnh hoạt động giao thương truyền thống”, bà An nhấn mạnh.
Việc nhanh chóng bắt kịp xu thế, tổ chức các hoạt động giao thương, triển lãm trực tuyến đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự lệ thuộc vào một số thị trường nhất định. Những "triển lãm đám mây" cũng góp phần thiết thực tiếp sức để các doanh nghiệp nắm bắt chuyển biến mới, tăng năng lực cạnh tranh, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, đưa hàng hóa Việt Nam tới nhiều hơn nữa các thị trường thế giới.