Làm gì để hàng Việt thâm nhập sâu thị trường EU?
Kinh tế - Ngày đăng : 17:09, 18/11/2022
Những nội dung này đã được trao đổi tại tọa đàm “Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU” do Tạp chí Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 18-11.
Thông tin tại tọa đàm cho biết, sau hơn 2 năm thực thi EVFTA, Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại hàng đầu và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Đặc biệt, trong hai năm đầu thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình khoảng 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn mức trung bình năm của giai đoạn 2016-2019 (đạt 33,5 tỷ USD).
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung, thị trường EU khá đa dạng. Đây là thị trường có sức mua cao, đặc biệt khi có một hiệp định thương mại tự do tiềm năng và hiệu quả như EVFTA, EU trở thành một thị trường rất hấp dẫn với doanh nghiệp Việt Nam.
Minh chứng rõ hơn điều này, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, dù EU chỉ có 500 triệu dân trên tổng số 8 tỷ dân toàn cầu, nhưng nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn, chiếm khoảng 45%. Ngoài ra, lợi thế cho rau quả Việt Nam là các nước EU cũng như các nước châu Âu không trồng được các loại rau quả nhiệt đới như dứa, chuối, chanh leo…
Theo ông Khuê, doanh nghiệp châu Âu chi trả tiền rất kịp thời và nghiêm túc, tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các diễn giả tham gia tọa đàm cũng nhận định, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện, hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần.
Tuy nhiên, ông Ngô Chung Khanh cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, rau quả, dệt may có thị phần thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU, trong đó, rau quả chiếm hơn 3%, thủy sản hơn 4%, may mặc 4%...”.
Cũng theo ông Khanh, một số doanh nghiệp đã tham gia chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm cho xuất khẩu sang EU nhưng phần nhiều vẫn chỉ gia công hàng hóa xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI nhìn nhận, tốc độ tăng của xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu Việt Nam đi tất cả thị trường thế giới. Bà Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất, cần chuyển từ xúc tiến thương mại cho sản phẩm của doanh nghiệp sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng; đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, thương mại điện tử; đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm...
Còn ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc DOVECO cho rằng, vấn đề cốt lõi vẫn là doanh nghiệp cần tăng tính cạnh tranh. “Doanh nghiệp phải làm tốt hai vấn đề, thứ nhất là chất lượng hàng hóa phải tốt, thứ hai là giá thành hợp lý. Mặt khác cần đầu tư vào sản xuất lớn để có thể áp dụng được các biện pháp khoa học kỹ thuật, từ phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc và đặc biệt là tăng năng suất lao động, giảm giá thành để tăng cạnh tranh”, ông Khuê nói.