Đầu tháng 8 là ''thời gian vàng'' để dập dịch Covid-19

Đời sống - Ngày đăng : 18:34, 03/08/2020

(HNMO) - Chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2020 của Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đầu tháng 8 là giai đoạn quyết định, là khoảng "thời gian vàng" phải đưa ra những giải pháp căn cơ, quyết liệt nhất để dập dịch Covid-19. Chính phủ sẽ sớm ban hành chỉ thị mới về công tác phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình hiện nay.

Đây là thông tin được Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020, diễn ra chiều 3-8, tại Hà Nội.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm; chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua thách thức hiện nay, nhất là thực hiện nghiêm phương châm hành động 12 chữ của Chính phủ trong năm 2020, đó là: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả".

Từng thành viên Chính phủ phải thể hiện trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, tập trung thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”; trong đó cần lưu ý không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông cấm chợ"...

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao cách thức chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” của hai đầu tàu kinh tế là Thủ đô Hà Nôi và thành phố Hồ Chí Minh vừa qua; vừa quyết liệt truy vết, xét nghiệm nhanh để khoanh vùng dập dịch, vừa duy trì các giải pháp hỗ trợ các thành phần kinh tế phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi thêm với báo chí về chỉ đạo nêu trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo chỉ thị mới, trình Thủ tướng Chính phủ để thống nhất giải pháp vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, nhưng không thực hiện các giải pháp phong tỏa, giãn cách thái quá, làm thiệt hại kinh tế không cần thiết. 

Làm rõ các biện pháp phòng, chống dịch của lực lượng công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an sẽ tăng cường kiểm soát xuất nhập cảnh; bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh ở các khu vực cách ly tập trung; ngăn chặn, xử lý nghiêm những người tung tin thất thiệt về dịch; xử lý những hành vi lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ hàng hóa, nâng giá trái quy định, trục lợi bất chính...

Riêng về tình hình kiểm soát xuất nhập cảnh, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, các lực lượng công an đã phát hiện 21 vụ người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với 177 người. Cơ quan chức năng đã khởi tố 5 vụ...

Trao đổi về những dự báo tác động của dịch Covid-19 giai đoạn này đối với nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nếu diễn biến đợt dịch này giống như đợt trước thì dịch Covid-19 sẽ tác động rất mạnh vào nền kinh tế. Hai ngành chịu tác động nhanh và mạnh nhất trong đợt dịch này là du lịch và vận tải. Do đó, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt với quyết tâm không để dịch lây lan rộng.

Trả lời câu hỏi về tiến độ điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an sẽ cố gắng kết thúc điều tra trong quý III-2020 để tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo.

Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường là vụ án rất nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo xử lý. Thời điểm dự kiến kết thúc điều tra mà Bộ Công an quyết tâm hoàn thành cũng chính là để thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng.

Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, đến nay, liên quan đến vụ án Nhật Cường, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 28 bị can với 4 tội danh; trong đó đã bắt giam 20 bị can; đang truy nã 8 bị can, trong đó có Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhật Cường.

Võ Lâm