Dồn lực để bảo đảm an toàn giao thông
Giao thông - Ngày đăng : 06:46, 03/08/2020
Kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2020 (tháng 7-2020 số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm) có được là do các ban ngành chức năng của thành phố đã phối hợp, xóa được 4 điểm đen tai nạn giao thông mà đáng kể trong số đó là việc hoàn tất xây dựng nút giao thông 3 tầng tại ngã tư An Sương, xóa bỏ việc các luồng xe quốc lộ 1 giao cắt với quốc lộ 22.
Về khắc phục ùn tắc giao thông, thành phố đã ban hành kế hoạch phối hợp xử lý, kiểm soát đối với 22 điểm có nguy cơ, bảo đảm công tác phối hợp, ngăn chặn bước đầu không để xảy ra ùn tắc kéo dài, qua đó, có 5 điểm chuyển biến tốt, 11 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 6 điểm chưa có chuyển biến. Hằng ngày chạy xe ra vào thành phố, anh Trần Viết Trí (ngụ quận Thủ Đức) cho hay, tại các điểm “nóng” về giao thông như khu vực cảng Cát Lái (quận 2) và sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đã có chuyển biến rõ rệt, không còn tắc đường thường xuyên như trước. “Số điểm và thời gian ách tắc giao thông đã không còn nhiều và thường xuyên như trước đây nữa…”, anh Trí nhận xét.
Theo Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh, dù nhiều điểm “nóng” giao thông đã có chuyển biến tích cực trong nửa năm đầu 2020, nhưng tình trạng kẹt xe vẫn còn xảy ra tại một số khu vực như: Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13, Đinh Bộ Lĩnh, hay Trường Sơn, Cộng Hòa, Trường Chinh, ngã tư Hàng Xanh, đường Nguyễn Hữu Thọ… nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều các ngày làm việc trong tuần.
Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Ban An toàn giao thông sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Cụ thể, thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đi vào chiều sâu, nhất là Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên đường phố, xử lý nghiêm những vi phạm; nâng cao trách nhiệm, kỷ cương của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin thêm, các công trình giao thông sẽ được đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên nguồn lực cho các công trình giao thông cấp bách để kéo giảm ùn tắc. “Chúng tôi ưu tiên hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình, nút giao trọng điểm, cầu vượt tại các tuyến đường cửa ngõ”, ông Trần Quang Lâm nêu rõ.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố xem xét, phê duyệt đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, giai đoạn 2021-2030”, với tổng kinh phí gần 394.000 tỷ đồng; đầu tư đổi mới phương tiện phù hợp với đặc tính đô thị và thân thiện môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Song song với đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngày càng minh bạch và hiệu quả hơn.