Tập trung khắc phục hậu quả bão số 2, ứng phó mưa lớn diện rộng
Công nghệ - Ngày đăng : 18:52, 04/08/2020
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nên đêm 4-8 và ngày 5-8, thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông, khu vực Hà Nội có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo từ đêm 5-8 đến ngày 8-8, khi áp cao cận nhiệt đới dịch chuyển về phía Tây và thiết lập hội tụ gió mạnh trên cao, Hà Nội xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to và dông…
Đặc biệt, đêm 5-8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa xảy ra mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ; các tỉnh vùng núi phía Bắc xảy ra mưa rất to, lượng mưa 100-150mm/24 giờ… Với diễn biến mưa nêu trên, từ đêm 4-8 đến ngày 8-8, trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình xuất hiện đợt lũ ở thượng lưu 3-5m, hạ lưu 2-3m. Đỉnh lũ thượng lưu sông Thao, sông Bùi, sông Cầu, sông Thương và Lục Nam lên mức báo động cấp I; lũ trên sông Bôi, các sông suối khu vực Bắc Bộ lên mức báo động cấp II, báo động cấp III. Đỉnh lũ khu vực hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức dưới báo động cấp I.
Các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh có nguy cơ cao xảy ra ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp và các khu đô thị…
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, úng ngập; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng di dời người và tài sản tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Các doanh nghiệp thủy lợi, thoát nước chủ động vận hành hệ thống tiêu thoát, phòng, chống úng ngập khu vực nội thành và ngoại thành…
Tương tự thành phố Hà Nội, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ đã chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động triển khai phương án phòng, chống úng ngập; đồng thời, huy động lực lượng tập trung khắc phục thiệt hại do bão và hoàn lưu bão số 2 gây ra, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất…
Cập nhật về thiệt hại, các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cho biết, bão và hoàn lưu bão số 2 đã làm 2 người chết; 2.391ha lúa, hoa màu bị ngập úng; 17 vị trí trên các quốc lộ: 16, 217, 47 đoạn qua các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân của tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở với tổng khối lượng khoảng 3.300m3; 1 vị trí trên quốc lộ 6 đoạn qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La bị sạt lở hơn 100m3; nhiều tuyến giao thông khác thuộc địa bàn các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An bị sạt lở, hư hỏng…
Trong ngày 4-8, các tỉnh tiếp tục huy động cán bộ, chiến sĩ quân đội, lực lượng tại chỗ của địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; trong đó, ưu tiên giúp đỡ các gia đình có người bị thiệt mạng, khôi phục hệ thống giao thông, dọn dẹp vệ sinh môi trường…