Bước đột phá trong thực hiện thủ tục hải quan

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:30, 04/08/2020

(HNM) - Trước đây, doanh nghiệp thường phàn nàn về thủ tục hải quan rườm rà, nhất là thủ tục xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành Hải quan đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi hoạt động theo phương thức hiện đại, nhiều thủ tục được rút ngắn. Bước đột phá này mang đến sự hài lòng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh) làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp. Ảnh: Văn Tác

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, thời gian qua, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển sang phương thức quản lý điện tử. Đến thời điểm này, các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động tại tất cả các đơn vị hải quan trên cả nước.

Cụ thể, hệ thống xử lý hơn 99,6% tờ khai; thời gian tiếp nhận, xử lý, trả kết quả chỉ trong 1-3 giây. Cùng với đó ngành Hải quan thực hiện nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Năm 2019, Tổng cục Hải quan triển khai nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu, được nâng cấp trên nền tảng hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất, nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế.

Hiện đã có 43 ngân hàng phối hợp thu với Tổng cục Hải quan, 29 ngân hàng triển khai kết nối 24/7, 6 ngân hàng triển khai chương trình doanh nghiệp nhờ thu. Không chỉ phục vụ cho cơ quan hải quan và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hệ thống thu thuế điện tử còn phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, gần 90% thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 98% số thủ tục hành chính của ngành Hải quan trong tổng số 192 thủ tục được thực hiện bằng phương thức điện tử. 

Hải quan là cơ quan chủ trì thực hiện cơ chế "một cửa" quốc gia, hiện đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 198 thủ tục hành chính được đưa lên cơ chế "một cửa" quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là hơn 3,1 triệu bộ hồ sơ và trên 38,7 nghìn doanh nghiệp tham gia…

Những ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức quản lý trên đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, ngày càng tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, thủ tục thông quan, nộp thuế tính bằng ngày, bằng giờ thì hiện tại chỉ tính bằng giây, bằng phút.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Với doanh nghiệp về xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan có tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh. Thủ tục thông quan cải thiện giúp doanh nghiệp có thể thực hiện nộp thuế điện tử mọi lúc, mọi nơi, thuận tiện và tiết kiệm chi phí”.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ, đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ. Với trên 11 triệu tờ khai/năm, hệ thống thông quan tự động đã giúp tiết kiệm khoảng 200 triệu USD cho thủ tục thông quan. Các thủ tục hải quan nhanh, được rút gọn vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, vừa tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Hoàng Việt Cường, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp cũng như hoạt động thương mại, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó hoàn thành xây dựng cơ quan Hải quan điện tử thống nhất với kiến trúc chính phủ điện tử.

Hương Thanh