Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh xuất khẩu sang EU

Kinh tế - Ngày đăng : 15:59, 06/08/2020

(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Các mặt hàng nông sản đang có nhiều lợi thế để xuất khẩu sang châu Âu.

Xác định rõ nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng vào EU

Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, trong 7 tháng của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh sang EU ước đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. 

Xét về cơ cấu mặt hàng sản phẩm xuất khẩu của thành phố Hồ Chí Minh vào EU không đối đầu, cạnh tranh trực tiếp mà sản phẩm hai bên mang tính hỗ trợ cho nhau.

Thành phố xuất khẩu sang EU chủ yếu các mặt hàng dệt may, da giày, nông sản các loại, ngược lại nhập khẩu từ EU máy móc, trang thiết bị hiện đại. Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin: “Để chuẩn bị thực thi Hiệp định EVFTA, thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất lập một đầu mối chỉ đạo thực hiện Hiệp định EVFTA đó là Ban Chỉ đạo thành phố về hội nhập quốc tế”.

Trên thực tế, từ tháng 10-2018, thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, đón đầu cơ hội từ EVFTA với trọng tâm hiểu về quy định xuất xứ hàng hóa. Đây là yếu tố then chốt để doanh nghiệp hưởng thuế suất ưu đãi từ hiệp định.

Cũng theo ông Dương Anh Đức, thành phố Hồ Chí Minh xác định 2 nhóm sản phẩm tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang EU.

Nhóm thứ nhất gồm các sản phẩm nông nghiệp, nổi bật là cà phê, hồ tiêu, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây nhiệt đới. Nhóm này chủ yếu do các tỉnh sản xuất đưa về thành phố Hồ Chí Minh chế biến rồi xuất khẩu sang châu Âu.

Nhóm thứ hai là nhóm sản phẩm công nghiệp, ngoài mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, thành phố có lợi thế xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin bao gồm phần cứng, phần mềm, sản phẩm nội dung số.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trên cơ sở xác định nhóm sản phẩm xuất khẩu chính vào EU, thành phố Hồ Chí Minh đề ra kế hoạch thực thi EVFTA với 4 nhóm giải pháp là: Truyền thông, cải tiến chất lượng dịch vụ công, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và mở rộng thị trường, đẩy mạnh liên kết vùng trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Về giải pháp đẩy mạnh truyền thông cho doanh nghiệp, thành phố tiếp tục tuyên truyền tăng cường tập huấn chuyên sâu EVFTA, trước mắt thông qua các lớp tập huấn trực tuyến cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông đại chúng, giúp doanh nghiệp ý thức việc nâng cao, cải tiến công nghệ liên tục để xuất được nhiều hàng hơn vào EU.

 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát huy lợi thế là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của toàn vùng để đẩy mạnh liên kết vùng.

Về cải tiến chất lượng dịch vụ công, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập huấn cho công chức theo từng nhóm, bám sát hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu.

Điển hình, nhóm công chức hải quan sẽ tập huấn chuyên sâu về quy trình, thủ tục, xuất khẩu hàng hóa. Công chức ngành Công Thương cần nắm chắc xúc tiến xuất khẩu nông sản, sản phẩm công nghiệp, công nghệ thông tin sang châu Âu. Đây là tiền đề cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh để khai thác lợi thế Hiệp định EVFTA mang lại.

Về nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục triển khai chương trình công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số.

Về mở rộng thị trường, thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ thông tin thị trường các nước thành viên EU để thành phố Hồ Chí Minh xúc tiến thương mại cho gần 20.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Về đẩy mạnh liên kết vùng, thành phố Hồ Chí Minh xác định đây là chiến lược quan trọng. Hầu hết nông sản xuất khẩu đi châu Âu, qua các tỉnh nhập về thành phố và đi qua cảng thành phố. Ngược lại, máy móc thiết bị châu Âu trang bị nhập về thành phố Hồ Chí Minh sau đó phân phối về các tỉnh.

Do đó, chiến lược của thành phố là phát triển nhanh các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng Logistics để cùng với các tỉnh đưa hàng hóa vào châu Âu nhanh hơn, với chi phí thấp hơn.

“Sắp tới thành phố Hồ Chí Minh sẽ ban hành đề án phát triển Logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo tinh phần phát huy liên kết vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thông tin.

Tuệ Diễm