Bảo vệ sức khỏe trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:09, 07/08/2020
Mối nguy với người cao tuổi mắc bệnh nền
Những ngày qua, Việt Nam ghi nhận các ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, tốc độ lây lan của dịch trong giai đoạn này nhanh hơn nhiều so với trước. PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định: “Diễn biến dịch rất phức tạp. Dự báo số ca nhiễm chưa dừng lại, có thể tăng lên trong những ngày tới do ổ dịch ở Bệnh viện Đà Nẵng phức tạp hơn Bệnh viện Bạch Mai khi đã có nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế mắc”.
Cùng với việc tăng nhanh số ca mắc Covid-19, các chuyên gia y tế và dịch tễ khá lo ngại khi Việt Nam đã có các ca bệnh tử vong liên quan tới dịch Covid-19 trong khi vẫn còn nhiều bệnh nhân tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao; sức khỏe một số bệnh nhân có diễn biến nặng hơn dù được điều trị tích cực.
Phân tích bệnh cảnh, các chuyên gia nhận thấy đa phần bệnh nhân nặng là người cao tuổi có nhiều bệnh nền. PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Khi mắc Covid-19, những người có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng thuộc nhóm cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính...) hoặc có thể trạng béo phì, suy kiệt.
Hiện nay, Việt Nam đã có những bệnh nhân Covid-19 trên nền bệnh mạn tính phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO (tim phổi nhân tạo), thở máy hoặc thở oxy. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại bởi sức đề kháng của nhóm người cao tuổi có bệnh nền thường giảm so với các nhóm khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, vi rút SARS-CoV-2 sẽ khiến bệnh mạn tính chuyển sang giai đoạn cấp, rất dễ tử vong.
Ý thức phòng dịch là quan trọng nhất
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và với việc thành phố Hà Nội ghi nhận những ca bệnh đầu tiên trong giai đoạn này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khuyến cáo: Cùng với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm, trang bị cho bản thân và gia đình kiến thức cơ bản về phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, người dân cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, hạn chế tới nơi đông người, không nghe theo cũng như phát tán thông tin chưa được kiểm chứng. Nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm vi rút SARS-CoV-2, người dân cần kịp thời báo cho ngành Y tế; không hoang mang, hoảng loạn, gây mất an ninh trật tự. Mọi người cần tự giác tham gia khai báo y tế toàn dân để bảo vệ bản thân và gia đình, cũng như giúp cho cơ quan chức năng làm việc hiệu quả.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể có diễn biến xấu rất nhanh. Các bệnh viện, khoa, phòng chú ý bảo đảm thông khí, bám sát hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế. Nhân viên y tế đẩy mạnh biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng tiêu chí về bệnh viện an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế tiếp xúc, tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn nhằm nâng cao sức đề kháng, hạn chế vi rút xâm nhập. Còn theo GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, người cao tuổi cần ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ, người cao tuổi cần uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1 đến 2 cốc/ngày. Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.
Khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới với 9 điều. Cụ thể:
1. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).
2. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và khi đến cơ sở y tế.
3. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý, xây dựng lối sống lành mạnh.
5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
6. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
7. Người từ vùng có dịch bệnh trở về cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ.
8. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân.
9. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.