Ảnh hưởng từ dịch Covid-19: Ngành Giáo dục đối mặt ''thảm họa thế hệ''

Thế giới - Ngày đăng : 06:48, 09/08/2020

(HNM) - Không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 720.000 người, làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu, dịch Covid-19 còn đang khiến cho ngành Giáo dục thế giới đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát đi cảnh báo rằng, thế giới có thể phải đối mặt với "thảm họa thế hệ".

Nhiều trường học trên thế giới đã phải đóng cửa do đại dịch Covid-19.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, tính đến giữa tháng 7-2020, khoảng 160 quốc gia đã phải đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ học sinh và ít nhất 40 triệu trẻ em bị nhỡ khóa học mầm non. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã có hơn 250 triệu trẻ em không được đến trường và chỉ 25% số học sinh trung học ở các nước đang phát triển hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản.

Nhằm bảo đảm việc học không bị gián đoạn cũng như bù đắp kiến thức cho học sinh, các quốc gia đã đưa ra biện pháp học tại nhà, trong đó nổi bật nhất là mô hình dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc học trực tuyến vẫn tồn tại một số bất cập, chưa thể thay thế hoàn toàn hình thức học trực tiếp. Việc bảo đảm tính công bằng cho học sinh là một trong những thách thức mà đa phần các quốc gia đang phải đối mặt. Dù các nguồn tài nguyên trực tuyến không ngừng phát triển và phổ biến trên toàn thế giới, song vẫn có những quốc gia ít chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho học sinh, dẫn tới tình trạng không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục.

Việc giảng dạy và học tập trực tuyến không mấy khó khăn đối với những trường học vốn đã có kinh nghiệm làm việc trong nền tảng số. Tuy nhiên, những trường học hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ, khi chuyển sang dạy học trên nền tảng kỹ thuật số buộc phải bắt đầu từ con số 0 với các giải pháp công nghệ mới và chưa được thử nghiệm.

Một cuộc khảo sát thực hiện đối với hơn 6.000 giáo viên ở Anh cho thấy, chỉ 40% giáo viên làm việc tại các trường học công lập có thể đăng tải một bài học bằng video, trong khi con số này ở các trường tư thục là 69%. Còn tổ chức New America (Mỹ) cho biết, rất ít tiểu bang ở Mỹ sở hữu trang thiết bị đầy đủ để giảng dạy trực tuyến. Hầu hết các bang không có sự chuẩn bị cho tình huống phải dạy học trực tuyến hoàn toàn khi dịch Covid-19 bùng phát. Do đó, giáo viên không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải tự cải thiện kỹ năng công nghệ của mình để sử dụng công nghệ và các ứng dụng dạy học trực tuyến.

Thêm một lo ngại nữa, dịch Covid-19 và phương pháp dạy học thay đổi đã tạo thêm khó khăn trong tiếp cận giáo dục. Trẻ em ở các gia đình có điều kiện về kinh tế có thể học tập từ xa qua máy tính, điện thoại di động và internet, nhưng hàng triệu em có hoàn cảnh khó khăn khác lại không được như vậy. Tại Mỹ, quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng vẫn có khoảng 7 triệu học sinh không thể tiếp cận internet tại nhà. Một số học sinh thậm chí còn không có môi trường học tập an toàn.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay, cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 có thể khiến nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không thể trở lại trường học. Đây cũng là bài toán cần có lời giải để bảo đảm mọi trẻ em đều có thể tiếp cận đầy đủ kiến thức cơ bản nhất.

Trong bài thuyết trình phát động chiến dịch mang tên "Hãy cứu tương lai của chúng ta", Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, thế giới đang phải đối mặt với một "thảm họa thế hệ" có thể lãng phí tiềm năng con người, hủy hoại hàng thập kỷ tiến bộ và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng cố hữu. Ông A.Guterres nhấn mạnh, khi các quốc gia kiểm soát được dịch Covid-19 thì việc đưa học sinh quay trở lại trường học sẽ phải là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Quỳnh Dương