Hà Nội: Ổ dịch ở đâu, khoanh vùng ở đó
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:35, 10/08/2020
2.672 mẫu xét nghiệm RT-PCR có kết quả âm tính
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong tuần qua ghi nhận thêm 5 ca mắc mới ngoài cộng đồng (bệnh nhân (BN) 751, BN 752, BN 785, BN 812) và 2 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay. Như vậy, trong đợt 3 (từ ngày 25-7 đến nay), Hà Nội có 29 ca mắc mới, trong đó có 22 trường hợp cách ly chưa ra cộng đồng và 7 trường hợp mắc mới ngoài cộng đồng.
Về các hoạt động phòng, chống dịch, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, đến nay thành phố đã rà soát được 421 trường hợp F1; đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, có kết quả 419 mẫu (trong đó, 418 mẫu âm tính và 1 mẫu dương tính là BN 812). Tổng số trường hợp F2 là 2.610 người, đang được cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục rà soát những người từ Đà Nẵng về, hiện là 98.440 người, trong đó có 75.817 người đi từ ngày 15-7. Thành phố đã xét nghiệm nhanh cho 75.104 người; xét nghiệm RT-PCR cho 859 người, có 1 mẫu dương tính là BN 752 tại huyện Phúc Thọ.
Từ chiều 8-8, thành phố đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho những người đi Đà Nẵng từ ngày 15-7. Đến 14 h ngày 10-8 đã lấy được 7.554 mẫu. Đến 17h đã có kết quả 2672 mẫu và đều âm tính. Ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết thêm, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội khẩn trương liên hệ các đơn vị cung ứng bộ lấy mẫu để có thể đẩy nhanh xét nghiệm những ngày tới. Hiện Công ty TNHH Bệnh viện Hồng Ngọc thông báo sẽ tài trợ 20.000 bộ lấy mẫu, chiều 10-8 sẽ chuyển trước 4.000 bộ.
Về việc bảo đảm phòng, chống dịch trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành phố bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các thí sinh, giám thị, hội đồng thi.
Thông tin thêm về việc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR và việc tiếp nhận mẫu của các bệnh viện, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, hiện nay việc lấy mẫu RT-PCR của các địa phương đang được thực hiện khẩn trương và đã chuyển đến 4 bệnh viện là: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. CDC Hà Nội đang tiếp tục làm việc với Viện Quân y, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về việc cung ứng ống bảo quản mẫu trong thời gian tới.
Về việc mua sắm các vật tư y tế, CDC Hà Nội đã hoàn tất các thủ tục, từ ngày 11-8 sẽ triển khai mua sắm khi được sự đồng ý của Sở Y tế Hà Nội và UBND thành phố.
Từ ngày 12 đến 13-8 sẽ đón gần 900 người "mắc kẹt" tại Đà Nẵng
Báo cáo về việc bảo đảm công tác cách ly tập trung, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, hiện tổng số người còn cách ly tập trung là 1.667 người. Bộ Tư lệnh Thủ đô đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch tổ chức đón những người bị "mắc kẹt" tại Đà Nẵng về. Theo kế hoạch, từ ngày 12 đến 13-8, các đơn vị sẽ đón 900 người từ Đà Nẵng về. Ngày 14-8, Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ đón các công dân từ Angola về. Các trường hợp này khi về đến Hà Nội sẽ lập tức được đưa đi cách ly tập trung theo đúng quy định.
Thông tin về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, đã phối hợp với các cơ quan báo chí của trung ương và Hà Nội tăng cường các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch. Trung bình mỗi ngày có 300 tin, bài, ảnh được đăng tải trên hệ thống báo chí Thủ đô. Ngoài ra, Sở cũng tuyên truyền để người dân sử dụng 2 ứng dụng là Bluezone và Hà Nội Smart City. Hiện đã có hơn 1 triệu người Hà Nội cài đặt ứng dụng Bluezone, đứng thứ hai cả nước, sau TP Đà Nẵng. Ngoài ra, Sở cũng làm việc với các trang mạng xã hội như Zalo, Cốc Cốc tăng cường thông tin hướng dẫn phòng, chống dịch cho người dân ở trang chủ.
Liên quan đến việc rà soát, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh, quận Bắc Từ Liêm cho biết, hiện trên địa bàn có 2 trường hợp F0 là BN 714 và BN 812. Quận đã rà soát được 30 trường hợp F1, 316 trường hợp F2 liên quan đến các bệnh nhân này và đã thực hiện xét nghiệm, cách ly đúng quy định. Quận Bắc Từ Liêm cũng rà soát được 5.560 người về từ Đà Nẵng.
Quận Thanh Xuân báo cáo về việc rà soát các trường hợp liên quan đến BN 751. Theo báo cáo rà soát của Quân chủng Phòng không - Không quân, có 907 trường hợp liên quan đến bệnh nhân này, đã lấy mẫu được 877 trường hợp, cho kết quả âm tính, hiện còn 30 trường hợp đang chờ kết quả. Tính riêng trên địa bàn quận Thanh Xuân có 80 người liên quan. Với những trường hợp ngoài Quân chủng có liên quan đến bệnh nhân này, quận Thanh Xuân rà soát được 236 người, trong đó có 4 trường hợp F1 đã xét nghiệm RT-PCR, cho kết quả âm tính; 199 trường hợp F2 cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà…
Các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Phúc Thọ... cũng thông tin, đã tập trung rà soát, khoanh vùng các trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca bệnh; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, cách ly đúng quy định. Các địa phương đã bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác lấy mẫu xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu của thành phố.
Đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR
Đánh giá về tình hình dịch và những công việc thành phố đã làm được, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Thời gian qua, các quận, huyện, thị xã đã triển khai khẩn trương các phần việc và đạt được kết quả như yêu cầu đề ra.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thành phố xác định công tác phòng, chống dịch còn kéo dài chứ không phải ngày một, ngày hai. Vì vậy công tác phòng, chống dịch phải bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an ninh, quốc phòng. Thời gian qua, các đơn vị đã bước đầu khẩn trương tiến hành lấy được 4.000 mẫu xét nghiệm.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục xác minh các trường hợp F1, tổ chức cách ly tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ cao; công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn, cơ bản bảo đảm được đúng yêu cầu của Trung ương và thành phố.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng, trong cuộc họp với Thường trực Thành ủy vào sáng nay, Thường trực Thành ủy nhận định, công tác tuyên truyền vẫn chưa quyết liệt như giai đoạn trước. "Vẫn còn tình trạng người dân ra đường không đeo khẩu trang, quản lý người cách ly tại nhà chưa chặt chẽ", đồng chí Nguyễn Đức Chung nói.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân đi Đà Nẵng từ ngày 8-7 khai báo y tế nghiêm túc. Tất cả những người đi Đà Nẵng từ ngày 15-7 phải được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho rằng, công tác lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR đang bị chậm so với yêu cầu do chưa đủ ống bảo quản và que lấy mẫu. Vì thế, CDC Hà Nội cần khẩn trương thực hiện việc cung ứng ống bảo quản mẫu và que lấy mẫu để bảo đảm mỗi ngày lấy được 10.000 - 12.000 mẫu. "Chúng ta phải xác định công tác xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng nhất. Chỉ xét nghiệm mới biết chắc chắn kết quả dương hoặc âm tính. Thành phố phấn đấu từ nay đến ngày 20-8 phải lấy được hết 75.000 mẫu cho những người đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7 và gần 1000 trường hợp về Hà Nội đợt tới", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện phải tiến hành tổ chức khám, chữa bệnh đúng quy trình, đặc biệt là tại những khoa có bệnh nhân bệnh nền nặng như khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, chạy thận, tiểu đường... Công tác quản lý phải thực hiện chặt chẽ; cần hạn chế tối đa người nhà vào thăm nuôi bệnh nhân.
Liên quan đến các trường hợp F1 từ nước ngoài về, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị phải tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Tất cả trường hợp cách ly khi kết thúc cách ly 14 ngày phải tổ chức xét nghiệm lần 2. Tất cả trường hợp sốt, ho, khó thở phải được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lưu ý, Thành ủy Hà Nội sẽ thành lập 16 đoàn công tác, kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương. Vì thế, Chủ tịch UBND các địa phương cần phải đôn đốc các đội phản ứng nhanh túc trực 24/24/7 tham gia vào công tác phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm thu mua trang thiết bị, vật tư y tế như quần áo, trang bị phòng hộ cho địa phương mình; tuyên truyền ý thức tự giác cho người dân thực hiện kê khai y tế, đeo khẩu trang tại nơi công cộng...
"Công tác phòng, chống dịch phải trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, không chủ quan, lơ là nhưng không quá lo lắng để đạt kết quả cao nhất. Trong trường hợp quận, huyện, thị xã nào phát hiện ra ca dương tính mới thì chúng ta thực hiện đúng quy trình. Đó là tiến hành cách ly tập trung, cách ly tại nhà những trường hợp F1, F2. Các địa phương có thể ra quyết định cách ly 1 thôn, 1 xóm hoặc một số nhà... tuỳ theo tình hình thực tiễn", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.